Theo dõi trên

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha: Sẽ phủ xanh “sa mạc”cát?

19/03/2018, 13:57

Bài 1: Từ đề án đến thực tiễn

BT- Toàn tỉnh hiện có hơn 677.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa, thanh long, rau màu…Thực tế cho thấy hiệu quả sản xuất vẫn chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bình Thuận xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

                
   
   Hiện trạng khu đất NNƯDNNCNC 2.000 ha.

Đề án chiến lược

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC). Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo huy động gói tín dụng thương mại khuyến khích phát triển NNƯDCNC, nông nghiệp sạch, với lãi suất cho vay thấp…Riêng tại Bình Thuận, hiện tỉnh đang xây dựng Đề án khu NNƯDCNC tại huyện Bắc Bình với quy mô diện tích khoảng 2.000 ha, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào quy hoạch tổng thể khu và vùng NNƯDCNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Không khó để hiểu rằng, vì sao tỉnh lại chọn vùng đất cát “sa mạc” tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình làm tâm điểm của khu NNƯDCNC. Bởi thực tế, đây là vùng đất “sạch” còn hoang sơ, ít có tác động của con người. Đặc biệt là tiểu vùng khí hậu đặc trưng, nắng, gió nhiều, tạo lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất và không thể thiếu cho phát triển nông nghiệp là việc đưa vào sử dụng hệ thống công trình cấp nước khu Lê Hồng Phong. Đây được coi là công trình “đền ơn đáp nghĩa” cho vùng kháng chiến khu Lê - một vùng đất có tiếng khô hạn nhất tỉnh. Theo thiết kế, công trình có tổng diện tích tưới 1.000 ha và cấp nước chưa qua xử lý phục vụ sinh hoạt và du lịch, nhằm phát triển dân sinh - kinh tế và khai thác tiềm năng tuyến du lịch Hồng Phong- Hòa Thắng, hạn chế tình trạng sa mạc hóa trên địa bàn…

Từ một đề án có tầm quan trọng chiến lược, cộng thêm sự quan tâm, đôn đốc của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam đã phê duyệt phương án thi công - dự toán đo định vị tọa độ, cắm mốc quy hoạch công trình Khu NNƯDCNC Bình Thuận. Cụ thể, công trình cắm mốc giới quy hoạch do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh làm chủ đầu tư. Qua đó, xác định tọa độ, cắm mốc giới quy hoạch Khu NNƯDCNC tỉnh Bình Thuận khoảng 2.000 ha theo hệ tọa độ VN-2000.  Địa điểm cắm mốc thuộc các xã Bình Tân, Hòa Thắng, Sông Lũy và thị trấn Lương Sơn thuộc huyện Bắc Bình; tổng dự toán 199,322 triệu đồng.  Qua đây, có thể thấy những bước tiến mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả kinh tế… 

Màu xanh… công nghệ cao

Đi dọc tuyến kênh của công trình cấp nước Khu Lê Hồng Phong, chúng ta dễ dàng cảm nhận cái nắng gay gắt, khô hanh giữa một vùng mênh mông sa mạc cát. Khí hậu ấy, vùng đất ấy, nhưng mấy năm nay, có một doanh nghiệp đã tiên phong, từng bước gầy dựng nên màu xanh mướt với những sản phẩm dưa lưới trong nhà màng, thanh long ruột đỏ leo giàn…nức tiếng ngọt thanh. Đó là việc triển khai trồng 1,5 ha thanh long ruột đỏ theo hướng công nghệ cao. Ngoài ra, hiện có 15 nhà màng, mỗi nhà 2.000m2 đã hoàn thành và sản xuất dưa lưới rất hiệu quả, cho lợi nhuận cao…Đó là những thành quả bước đầu mà ông Phạm Văn Minh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Đông Á đã tạo nên. Là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào khu NNƯDCNC 2.000 ha, công ty này trở thành điểm đến, tham quan của nhiều doanh nghiệp tìm hiểu.

Về phía lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh và Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, lãnh đạo UBND tỉnh đều đã có dịp ghé thăm, động viên và kịp thời biểu dương những gì mà doanh nghiệp tiên phong đã làm được. Tuy nhiên, tôi lại nhớ mãi lời trăn trở của Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An sau một lần thực địa tại vùng đất này: “Ngoài một diện tích nhỏ đã được đầu tư, vùng đất rộng lớn này vẫn còn khô cằn, không có cây trồng giá trị kinh tế, chưa phát huy, tận dụng được hết thế mạnh vốn có…Ngay từ bây giờ, điều cần thiết nhất là phải thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…”.

    
      Nghị quyết số 14-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (Khóa VIII) về   nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng   nông thôn mới đến năm 2025 đã nhấn mạnh việc tập trung phát triển sản   xuất nông nghiệp hàng hóa lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao   và bền vững. Triển khai thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu sản xuất,   tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng   điều kiện biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển các sản phẩm có lợi   thế, tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng, giá trị gia   tăng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường…

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha: Sẽ phủ xanh “sa mạc”cát?