Theo dõi trên

Khuyến cáo nông dân các biện pháp chăm sóc thanh long

12/02/2020, 09:20

BT- Vấn đề đặt ra lúc này là bên cạnh chính quyền tìm các giải pháp đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, tránh tình trạng thanh long ùn ứ, dư thừa, bị ép giá trong thời gian đến, nông dân cần dành thời gian để chăm sóc, dưỡng cây…

                
Nông dân nên tập trung chăm sóc thanh long.

Tại Bình Thuận, thời điểm này dù chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm dịch bệnh do virus corona gây ra. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến tiêu thụ thanh long thì đã rõ. Thực tế nhu cầu tiêu thụ của một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc bị chững lại do diễn biến phức tạp của dịch bệnh này. Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn. Đầu tháng 2/2020, cửa khẩu Hữu Nghị đã mở cửa nhưng chưa giải quyết được số hàng tồn do không có hợp đồng tiêu thụ; sức mua bên Trung Quốc giảm do các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ đóng cửa. Còn tại các nhà vườn ở Bình Thuận, dự kiến tổng sản lượng thanh long đến kỳ thu hoạch trong tháng 2 và tháng 3/2020 trên địa bàn tỉnh 88.426 tấn. Do đó, người trồng thanh long cần xây dựng mùa vụ sản xuất và tiêu thụ thanh long trước ảnh hưởng dịch corona gây ra. Đó là một trong những khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương và Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cần khuyến cáo người dân và hội viên tổ chức sản xuất thanh long phải phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Một trong số đó là các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại với hệ thống kênh phân phối và thị trường sẵn có, đẩy mạnh việc thu mua tiêu thụ sản phẩm trái thanh long cho các thành viên liên kết trong thời điểm hiện nay. Khuyến cáo thành viên có kế hoạch sản xuất hợp lý phù hợp với thị trường, tiếp tục tìm kiếm khách hàng và duy trì mua bán với giá cả hợp lý giúp nông dân tiêu thụ hết sản phẩm trong giai đoạn này. Đối với những vườn đã  xử lý đèn và cho ra nụ, búp, trái xanh, cần chú ý chăm sóc tỉa bớt nụ, búp, trái nhỏ, trái có vết bệnh nhằm giảm từ  1/2 đến 2/3 lượng trái trên cây. Qua đó, nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi trái, giảm tối đa chi phí vật tư đầu vào và đảm bảo sinh trưởng của cây.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng cho biết, đối với những vườn đã thu hoạch, thời điểm trong tháng 2/2020 tạm dừng  kích thích xử lý đèn thanh long ra hoa trái vụ, cần chủ động chăm sóc tưới tiêu, tỉa bớt cành bệnh, cành già, vệ sinh vườn sạch sẽ và chăm sóc tốt lứa chồi đang có. Riêng những vườn có hợp đồng tiêu thụ thì phải làm việc ngay với đối tác để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Những vườn chưa có hợp đồng tiêu thụ đang xử lý chong đèn, những vườn đã xử lý đèn dưới 10 đêm thì nên ngưng xử lý, những vườn đã xử lý đèn trên 10 đêm có thể cân nhắc duy trì xử lý hoặc ngưng xử lý. Song song, về lâu dài cần tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ trong hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp, HTX thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem, mã số, mã vạch trong từng công đoạn từ sản xuất đến tiêu thụ. Tạo cơ sở tiếp cận các tập đoàn phân phối lớn nội địa, xuất khẩu và mở rộng thị trường chính ngạch trong thời gian tới. 

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khuyến cáo nông dân các biện pháp chăm sóc thanh long