Theo dõi trên

Loài ốc gây hại không phải là loài ốc lạ

09/11/2017, 16:45

Ngày 17/10/2017, Báo điện tử vnexpress.net có bài nhiều diện tích thanh long tại Bình Thuận bị loài ốc sên lạ tấn công, ăn đọt non, búp, hoa trái gây thiệt hại khiến nông dân lo lắng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc hiện nay nhiều diện tích thanh long tại Bình Thuận bị loài ốc sên lạ tấn công, ăn đọt non, búp, hoa trái theo như bài báo nêu. Qua đó, đề xuất các biện pháp để phòng trừ loại ốc sên gây hại trên thanh long, đồng thời phổ biến rộng rãi cho người dân để phòng trừ nhằm hạn chế thiệt hại.

 Chi cục Trồng trọt và BVTV đã đi kiểm tra, xác minh thực tế tại xã Hàm Hiệp- huyện Hàm Thuận Bắc, xã Hàm Cần và Hàm Thạnh - huyện Hàm Thuận Nam. Kết quả kiểm tra, xác minh như sau:

 Theo hình ảnh cung cấp trên video clip được đăng tải trên Báo điện tử vnexpress.net và đối chiếu với kết quả xác minh thực tế tại 02 huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm Thuận Nam thì loài ốc gây hại không phải là loài ốc lạ. 

 Đây là loài ốc đã gây hại trên thanh long cách đây 5 năm, loại ốc này có tên khoa học là Bradybaena similaris Ferus (tại Bình Thuận gọi là ốc sên nhỏ). Họ: Bradybaena, bộ: Stylommatophora, hình thái: Vỏ ốc có màu vàng đến vàng nhạt, đường kính khoảng 10 - 20 mm, vỏ có 5 - 6 xoắn.

 Tập tính gây hại: Ốc thích nghi gây hại trong điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ thấp dưới 300C. Ở Bình Thuận, ốc thường gây hại nặng trong điều kiện cuối mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11. Khi nhiệt độ trên 300C, ốc tiết ra một chất keo trắng bịt kín miệng vỏ và không cử động cũng như không ăn. Ban ngày ốc trú ẩn chỗ râm mát ban đêm mới bò ra hoạt động ăn phá hại cây trồng, những ngày mưa râm mát ốc hoạt động gây hại cả ban ngày.

 Trên thanh long, ốc gây hại các bộ phận non, mềm như: Cành non, hoa và trái. Đặc biệt đối với những vườn vừa chong điện, ốc ăn bông non gây giảm năng suất, còn khi gây trái thì gây ảnh hường đến mẫu mã trái và tạo điều kiện cho bệnh hại khác tấn công như bệnh thán thư.

Tình hình ốc gây hại thanh long

 Năm nay mưa nhiều, ẩm độ cao nhiệt độ thấp tạo điều kiện thuận lợi cho ốc phát sinh, phát triển với mật độ ngày càng cao, nhất là đối với những vườn thanh long được vệ sinh kém. Hiện nay, mật độ ốc gây hại trên thanh long là trên 10 con/ trụ, cá biệt có những vườn mật số trên 50 con/trụ. Trong tháng 10/2017, diện tích thanh long bị ốc gây hại là 666 ha (trong đó phân bố tại các huyện Bắc Bình 115 ha, Hàm Thuận Bắc 110 ha, Hàm Thuận Nam 365 ha, La Gi 75 ha, Phan Thiết 10 ha).

Biện pháp phòng trừ

 Trước tình hình trên, từ đầu tháng 9/2017, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã kết hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phát phóng sự cảnh báo ốc sên gây hại trên thanh long và tuyên truyền biện pháp phòng trừ ốc sên gây hại trên thanh long vụ điện. Cụ thể như sau:

- Vệ sinh vườn: làm cỏ gốc sạch sẽ, phát quang bờ ranh và các nơi trú ẩn của ốc... 

 - Sử dụng thuốc dạng bả trừ ốc gốc Metaldehyde Osbuvang 5GR Toxbait 9AB, Yellow - K 12GB... rải tại những nơi ốc hay trú ẩn như: Đầu trụ, hàng ranh,... nên rải vào thời gian buổi chiều mát gần tối.

 - Sử dụng bã diệt ốc bằng cách: Trộn thuốc trừ ốc (có các hoạt chất mataldehyde, niclosamide , saponin ) với hoa thanh long sau khi rút râu (hoặc trái thanh long hư cắt mỏng, cám ướt) để bỏ đầu trụ.

 - Có thể sử dụng biện pháp sinh học để phòng trừ ốc như: Nuôi vịt trong vườn thanh long theo mật số 10 con/ha để quản lý ốc.

Theo Cổng thông tin điện tử Bình Thuận



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loài ốc gây hại không phải là loài ốc lạ