Mãng cầu ta - một cách giải bài
Mãng cầu ta - một cách giải bài toán quy hoạch thanh long
Vườn mãng cầu bà
Y
BT- Những trái mãng cầu ta xanh non
ngày một nhiều hơn trong vườn rộng trên 2,5 ha, trên những cây mãng cầu 10 năm
tuổi của bà Lã Thị Y (67 tuổi), ở xã Tân Phước, một người nổi tiếng nhất về
trồng mãng cầu ở thị xã La Gi. Mân mê những trái mãng cầu non, bà nói: “Đây là
vụ mãng cầu thứ 2 của năm nay, còn gọi là mãng cầu trái vụ. Vụ chính bắt đầu
khi mưa xuống kéo dài tới tháng 8. Còn vụ này, gia đình chúng tôi lặt lá (phần
nào có phun thuốc rụng lá) cách đây 1 tháng. Lặt lá xong là bón phân NPK. Những
trận mưa cuối tháng 9, tháng 10 kích thích cây ra trái để có đợt thu hoạch
trước, sau Tết Nguyên đán năm 2020. Có năm, vào ngày rằm tháng giêng, chúng tôi
vẫn còn mãng cầu để bán”.
 |
Bà Lã Thị Y trong vườn mãng cầu ta của mình. |
Với người Bình Thuận, mãng cầu ta
như vườn nhà bà Y không có gì lạ bởi đất này đa phần là đất cát pha thịt nhẹ,
thích hợp với mãng cầu (đặc biệt là vùng ven biển từ Tuy Phong đến La Gi), và đã
từng là xứ sở của mãng cầu! Trong trí nhớ của những người tuổi ngoài 50, không
mấy ai quên được tiếng tăm của mãng cầu Phước Thọ (nay thuộc Tân Thiện- thị xã
La Gi), mãng cầu vùng Mương Mán vừa to vừa ngọt, mãng cầu Sông Lũy, Lương Sơn
(Bắc Bình) và gần nhất là mãng cầu Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc). Bằng chứng, cho dù
“vật đổi sao dời”, nhiều cây trồng mới xuất hiện, nhưng đến nay vào những ngày
hè “chợ” mãng cầu ta bên cầu Tà Zôn vẫn là điểm dừng ưa thích của nhiều xe đường
dài. Bà Y tiếp: “Mãng cầu nhà tôi, rộng ra là La Gi vào những ngày cận tết,
thương lái chở vô tận Sài Gòn. Mình chỉ việc đóng thùng còn phân phối có thương
lái lo hết”.
Vượt nghèo
30 năm trước bà Y cùng chồng rời nhà
ở phường Phước Lộc đến Tân Phước mua 5 sào đất lập vườn. Họ trồng nhiều loại cây
trái, nhưng như bà Y kể: Nhờ mãng cầu mà gia đình bà dư dả, kể cả khi người đàn
ông trụ cột gia đình qua đời sớm. Đến nay, bà Y mua thêm 2 ha đất và cũng chỉ
trồng loại cây này. Nhờ áp dụng quy trình canh tác nông nghiệp tốt (VietGap),
năng suất cây trồng của bà đạt từ 3,5 - 4,5 tấn, thậm chí có lúc đạt 5 tấn/ha.
Giá cả tùy thời điểm, tùy trọng lượng trái. Nếu thời điểm khan hàng thì 60.000 -
70.000 đồng/kg, thường là 45.000 đồng/kg (loại 1), loại 2 từ 35.000 - 40.000
đồng/kg, với giá như vậy, sau khi trừ mọi chi phí, cho 2 vụ (trái, chính vụ) bà
Y thu nhập ròng gần 150 triệu đồng/ha/năm. Chưa kể, thu nhập từ các khoản như
xen canh cây họ đậu, nuôi gà thả vườn. Nguồn thu này luôn ổn định trong hơn 15
năm nay, nhờ vậy, bà Y có điều kiện hỗ trợ cho 4 người con mà như bà nói: “Không
còn sợ đói sợ nghèo. Bây giờ ai nói gì tôi cũng khẳng định, nhờ có mãng cầu ta
mà gia đình tôi được như ngày hôm nay”.
Người thứ 2 cũng trồng mãng cầu, tuy
không nhiều như bà Y là Nguyễn Thị Đào, ngụ tại thôn Thanh Linh (cùng Tân
Phước). Cô Đào cho biết: “Do đất vườn khá hẹp nên chỉ trồng khoảng 200 cây. Mấy
năm gần đây cây bị sâu bệnh phá hại nên năng suất vụ chính có giảm. Vì vậy,
gia đình tập trung cho vụ nghịch. Chậm lắm đầu tháng 10 dương lịch, gia đình
bắt đầu lặt lá, sau đó chăm bón tích cực để bán tết. Ngoài tiền bán trái, còn có
khoản thu chăn nuôi gà Đông Tảo trong vườn. Tính chung cũng được vài chục triệu
đồng”.
Nhìn sang tỉnh
bạn
Đến thời điểm này, nhìn tổng thể
nhiều nơi trong thị xã La Gi vẫn còn trồng mãng cầu ta nhưng diện tích không
nhiều như nhiều năm trước đây, khi mà cây thanh long chưa được giá. Trong khi
đó, cách thị xã La Gi 25 km về phía Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại là vùng
trồng mãng cầu ta nổi tiếng hơn 10 năm nay. Diện tích mãng cầu toàn tỉnh, ước
đến năm 2020 khoảng 1.700 ha, sản lượng khoảng 10.000 tấn/năm. Báo Bà Rịa - Vũng
Tàu số ra gần đây cho hay: Tỉnh này có 6 tiểu vùng chuyên trồng mãng cầu
Vietgap. Mãng cầu Bà Rịa - Vũng Tàu được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng
nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý… để có thể đi vào các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Một trong những nguyên nhân lý giải
vì sao nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn gắn bó với cây mãng cầu là do sức tiêu
thụ lớn và luôn ổn định, không như thanh long trồi sụt thất thường, chưa kể có
thời điểm nông dân phải đổ bỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có trồng thanh long).
Giải bài toán quy
hoạch thanh long
Nếu nông dân thị xã La Gi, rộng ra
Bình Thuận, đặc biệt là với nông dân nghèo, chú trọng lại cây mãng cầu với suất
đầu, nhưng thị trường luôn ổn định, thì quy hoạch về thanh long khả năng sẽ
không bị phá vỡ. Đặc biệt trong dịp tết, người Việt đa phần chuộng mãng cầu để
đơm cúng bàn thờ tổ tiên theo quan niệm nhân gian: “Cầu- vừa (dừa) – đủ (đu đủ)
- xài (xoài)”. Chưa kể, bằng chứng qua bà Lã Thị Y, nếu xen canh hợp lý, thu
nhập hàng năm trên ha mãng cầu không hề thấp.
Người nông dân có quyền suy nghĩ
trên cánh đồng của mình nhằm làm sao tăng huê lợi, có cuộc sống ngày một tốt
hơn, nhưng vai trò định hướng của ngành chuyên môn cũng khá quan trọng.
Hy vọng, trong tương lai gần, cây
mãng cầu ta trở lại mạnh mẽ trên đất Bình Thuận.
Lo thanh
long vượt quy hoạch
Bình Thuận hiện đã có hơn 30.000 ha thanh long trên quy hoạch 30.000 ha
tính đến năm 2025. Trong vòng 10 năm (từ 2009) đến nay, thanh long Bình
Thuận tăng 300% về diện tích; 370% về sản lượng. Ngành nông nghiệp lo
ngại quy hoạch thanh long sẽ bị phá vỡ trong tương lai gần, tạo nên
khủng hoảng thừa. Thế nhưng ngăn vỡ quy hoạch thế nào thật sự là bài
toán khó bởi người dân giữ vai trò quyết định trong việc tăng diện tích,
khi mà hấp lực nguồn thu luôn ở trước mặt họ. Vì vậy, để nông dân chuyển
hướng, cần tìm một nguồn lợi kinh tế khác, tạo ra được nguồn thu tương
đối ổn định cho nông dân… là cần thiết lúc này, thay vì chỉ tập trung
vào tuyên truyền… |
Hà Thanh Tú