Theo dõi trên

Mía đường năm 2018: Nỗi lo lắng đã thành sự thật

16/03/2018, 08:32

 Mía… đắng

BT - Những ngày qua, vùng mía Tân Đức, Tân Phúc, Tân Minh (Hàm Tân) nóng bức không chỉ vì giờ nắng chói chang kéo dài trong ngày mà còn vì chuyện cây mía không có lối ra. Bây giờ có thể xem đang vào cuối vụ thu hoạch mía nhưng ở đây, đồng mía còn bạt ngàn, ước chừng hơn 400 ha; diện tích nhiều nhất thuộc  xã Tân Đức. Những hộ dân chưa thể thu hoạch mía như đứng ngồi trên lửa, khi phải canh giữ mía để tránh bị cháy   khi mà thời tiết cực kỳ hanh khô  cùng với nỗi lo, nếu may mắn bán được mía cũng chẳng đủ bù chi phí bỏ ra. Hiện giá mía tại đây được các thương lái mua 840 đồng/kg, tức 840.000 đồng/tấn mía 10 chữ đồng, trong khi năm ngoái mía được mua xô là 700.000 đồng/tấn.

         
   

      

      Giá mía thấp nhiều hộ    dân chưa thể thu hoạch.

Mới nghe, tưởng năm nay mía được giá hơn nhưng theo phân tích của những nông dân trồng mía thì không phải cao hơn mà là thấp đi rất nhiều. Vấn đề ở chỗ, năm ngoái với giá mua xô ấy, nông dân không phải lo công chặt, bốc vác, nhiều nhà nông trồng mía có lời. Còn năm nay thì khác, nông dân phải lo trọn các khoản trên. Điều đáng nói, vùng mía này đang bị thiếu công nhân chặt mía, cộng thêm tranh giành nhau trong thu hoạch và càng về cuối vụ, càng gay gắt hơn nên ở đây đã xảy ra cảnh đẩy giá công chặt lên rất cao, cụ thể 250.000 đồng/tấn. Thêm nữa, năm nay nhà máy đường Bình Thuận mua mía rất chậm, trong khi mía đã chín quá trên đồng nên chữ đường giảm dần theo từng ngày. Khi thu hoạch, cân đo tính giá theo chữ đường, số thu về không được là bao so với chi phí, nhất là người dân ở đây vẫn chưa đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Chính vì vậy, những người đã ký hợp đồng với nhà máy, đã thu hoạch rồi, vẫn còn cảm giác đắng sau vụ mía này. Còn những ai có ruộng mía chưa thu hoạch, hầu hết là trồng ngoài hợp đồng với nhà máy thì khó mà khấm khá nhờ cây mía như suy nghĩ từ năm ngoái.

 Không thể giảm giá?

Sự cố trên xảy ra bởi chịu ảnh hưởng tình hình chung của ngành mía đường hiện nay. Đó là ngành này không còn được bảo hộ của Nhà nước thông qua rào cản thương mại, cụ thể là thuế suất 5% dành cho đường nhập khẩu đến từ các nước Asean như lâu nay, bắt đầu từ ngày 1/1/2018. Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng cần giúp ngành mía đường có thời gian đối phó với bước ngoặt này bằng cách kéo dài thời gian tháo dỡ rào cản trên qua hết năm 2018 nhưng không được, vì Việt Nam phải tôn trọng luật chơi chung. Và lập tức sau khi rào cản được hạ xuống, đường ngoại tràn vào, liền  trong tháng 1/2018, các nhà máy đường trong nước thông báo đang tồn kho đến 300.000 tấn, một kỷ lục đáng buồn xưa nay. Lý do giá đường trong nước cao hơn đường ngoại, rõ nhất là đường của Thái Lan, Lào nên phải giảm giá bán mà giảm thì bị lỗ, dẫn đến sự tồn kho trên. Tháng 1 cũng là thời điểm mía vào vụ thu hoạch. Đó là lý do khiến giá mía bắt đầu rớt đến thời điểm này, nhà máy đường mua cầm chừng và mọi chuyện trong thu hoạch diễn ra tại các vùng nguyên liệu mía ở một số nơi tương tự như vùng nguyên liệu mía Hàm Tân. 

Với Bình Thuận, chuyện này không mới, vì đã từng diễn ra trước đây. Khi vùng mía Hàm Tân hồi sinh, nhiều người quan tâm đến lĩnh vực mía đường cũng đã tiên liệu sẽ có chuyện tương tự xảy ra. Vì thế, có khuyến cáo người trồng cần liên kết, hình thành cánh đồng lớn để tiện áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, để giảm chi phí, đối phó với biến động thị trường. Thực tế, ở vùng nguyên liệu này cũng có nhân tố đang hướng đến cánh đồng lớn nhưng hình như còn thiếu sự phối hợp, sự định hướng của chính quyền, nhà đầu tư, nhà khoa học… nên đến bây giờ, nỗi lo lắng trên đã thành sự thật.

 Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mía đường năm 2018: Nỗi lo lắng đã thành sự thật