Theo dõi trên

Năm 2017: Hy vọng sự chuyển mình của ngành nông nghiệp

12/01/2017, 08:29

BT- Năm 2017, dự báo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, mục tiêu chung của ngành là phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiệu quả, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn giá trị gia tăng, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh…

                
Sản xuất bắp tại huyện Tánh Linh.

Theo phương hướng nhiệm vụ đề ra của Sở Nông nghiệp & PTNT, năm nay ngành hướng đến tái cơ cấu trồng trọt, phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tập trung đối với các cây trồng lợi thế của tỉnh như thanh long và các loại nông sản hàng hóa có giá trị khác. Đi cùng đó là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón; đẩy mạnh nhân rộng mô hình “cánh đồng lớn”, đưa nhanh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nông nghiệp. Chú trọng thâm canh tăng năng suất, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa. Đặc biệt, tiếp tục mở rộng diện tích cây bắp ở các vùng có điều kiện và thực hiện luân canh trên đất lúa, đất màu.

Trong đó, để đạt sản lượng bắp 141.000 tấn trong năm 2017, cần thiết phải chuyển giao khoa học kỹ thuật, sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, gắn với thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại địa phương để gia tăng giá trị. Mặt khác, đa dạng hóa sản phẩm rau màu theo yêu cầu thị trường và tập trung sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm. Hình thành tổ chức chuỗi sản xuất, tiêu thụ thanh long, gắn doanh nghiệp thu mua tiêu thụ qua phương thức hợp đồng tiêu thụ ổn định. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu, kể cả nội địa, tạo đầu ra cho sản phẩm. Ngoài các cây trồng lợi thế trên thì vấn đề phát triển cây cao su bền vững cũng được quan tâm. Dự kiến diện tích cao su năm 2017 tăng lên 43.300 ha, đạt sản lượng mủ khô 53.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, cần ổn định theo quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác và phòng trừ bệnh hại để nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su.

Về phát triển lâm nghiệp, năm 2017 toàn tỉnh sẽ trồng rừng tập trung với 2.000 ha. Trong đó, ngành tập trung triển khai các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường phòng cháy chữa cháy rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu; quản lý, bảo vệ tốt vốn rừng tự nhiên thông qua việc thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng. Phát triển mạnh trồng rừng sản xuất trên cơ sở tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là giống, đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng rừng…

Quá trình thực hiện các mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp & PTNT phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặt khác, triển khai kịp thời cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện tối đa để thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, đẩy mạnh sản xuất; khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí khuyến nông, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình lồng ghép khác để triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập, tập huấn kỹ thuật, bám sát nhu cầu của nông, ngư dân tại từng địa phương. Tiếp tục đưa nhanh các giống mới, công nghệ canh tác, bảo quản, chế biến vào sản xuất, đặc biệt chú ý nhân rộng các mô hình sản xuất thành công.

Thực hiện tốt các giải pháp trên, hy vọng trong năm 2017 này, bộ mặt của ngành nông nghiệp sẽ có sự chuyển mình đáng kể.  

    
        “Năm 2017, dự kiến diện tích thanh long ổn định 26.600 ha, có 9.600 ha   sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP (tập trung tái cấp 4.000 ha và cấp mới   100 ha), sản lượng đạt 550.000 tấn”.

K.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2017: Hy vọng sự chuyển mình của ngành nông nghiệp