Theo dõi trên

Nhìn lại các mô hình kinh tế trang trại

10/04/2017, 09:03

BT- Theo kết quả tổng điều tra mới đây của Cục Thống kê, Bình Thuận hiện có 462 trang trại, tăng 76 trang trại so thời điểm 5 năm trước, sự gia tăng chủ yếu là trang trại trồng trọt và chăn nuôi.

                
Mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tại    Đức Linh.

Kinh tế trang trại đã góp phần không nhỏ vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, nông nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản. Không thể phủ nhận, phát triển kinh tế trang trại còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, khai thác và tận dụng được diện tích đất hoang hóa, cải thiện môi trường sinh thái; đồng thời huy động được lượng vốn đầu tư trong nhân dân cho phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tại Bình Thuận, những năm qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang có nhiều chính sách, khuyến khích sự hình thành của mô hình này.Với lợi thế về đất đai, khí hậu và thổ nhưỡng, loại hình sản xuất trang trại cây lâu năm vẫn chiếm phần lớn. Toàn tỉnh có 374 trang trại trồng cây lâu năm, trong đó gần 250 trang trại trồng cây thanh long. Ngoài ra, trang trại chăn nuôi ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, chủ yếu tập trung tại 2 huyện Hàm Tân và Đức Linh. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi ở đây chủ yếu vẫn là nuôi gia công.

Đáng mừng của xu hướng phát triển kinh tế trang trại là sử dụng nhiều đất đai, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Diện tích bình quân một trang trại trồng trọt đạt 7,22 ha, trang trại thủy sản 7,69 ha và trang trại lâm nghiệp 73 ha. Điều này cho thấy trang trại sử dụng ngày càng nhiều ruộng đất với quy mô lớn và là điều kiện tiên quyết cho nền sản xuất nông nghiệp lớn. Ông Phạm Quốc Hùng- Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết, các trang trại đã sử dụng trên 2.600 lao động làm việc thường xuyên. Trong đó lao động của hộ chủ trang trại là trên 1.000 người, bình quân 1 trang trại sử dụng khoảng 5-6 lao động thường xuyên, không tăng so với 5 năm trước đó. Rõ ràng, việc gia tăng các mô hình kinh tế trang trại, nhưng không tăng lao động, cho thấy các trang trại đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa máy móc thiết bị vào phục vụ các khâu trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc gia tăng số lượng trang trại chăn nuôi là loại hình sử dụng ít lao động hơn các loại hình trang trại khác. Cũng theo đánh giá của Cục Thống kê, kết quả sản xuất kinh doanh có sự khác nhau giữa các loại hình trang trại. Các trang trại trồng trọt chủ yếu trồng các cây lợi thế của tỉnh như cao su, thanh long, còn trang trại chăn nuôi chủ yếu là heo.

Tuy kinh tế trang trại của tỉnh đã có bước phát triển, nhưng vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục. Theo đó, có đến 78,72% lao động của hộ chủ trang trại chưa qua các lớp đào tạo về quản lý kinh tế, kỹ thuật nên trình độ quản lý còn hạn chế, kiến thức kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi chưa toàn diện. Nhiều người chưa nắm được cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về phát triển kinh tế trang trại có thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, chưa thực sự tạo ổn định về giải quyết việc làm. Mặt khác, nhiều trang trại vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng như tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm. Trong số đó, chưa có nhiều trang trại thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, khó tiêu thụ…

    
      “Kết quả điều tra từ Cục Thống kê, hiện Bình Thuận có 382 trang trại   hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt; 69 trang trại chăn nuôi; 9 trang   trại nuôi trồng thủy sản; 1 trang trại tổng hợp và 1 trang trại lâm   nghiệp”.

KIỀU HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn lại các mô hình kinh tế trang trại