Theo dõi trên

Quản lý tổng hợp vùng bờ Bình Thuận

31/05/2017, 08:36

BT- Vùng bờ là khu vực chuyển tiếp giữa đất liền hoặc đảo với biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển. Vùng bờ chính là tụ điểm phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, nơi tập trung rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hoạt động này. Với bờ biển dài 192 km, tỉnh Bình Thuận từ lâu nổi tiếng với nghề biển và đang ngày càng chuyển mình phát triển nền kinh tế với những đột phá trong tất cả các ngành liên quan đến biển, trong đó nổi bật là du lịch, thủy sản và dầu khí. Nhưng những thách thức đã xuất hiện ngay khi bước vào tiến trình đổi mới và phát triển, như khai thác theo hướng gây suy thoái, cạn kiệt các nguồn tài nguyên hải sản, khoáng sản, đất, nước; vùng bờ của tỉnh luôn trong tình trạng có nguy cơ về sự cố thiên tai và ô nhiễm môi trường; những bất cập, mâu thuẫn trong việc quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên giữa các cá nhân, tổ chức và giữa các ngành, địa phương ngày càng gia tăng… Điển hình như vùng vịnh Phan Thiết...

                
Vùng bờ biển Phan Thiết

Thực tế trên đòi hỏi để bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên vùng bờ cần phải áp dụng phương phức quản lý tổng hợp cho khu vực này. Thông qua Quyết định 158/2007/QĐ-TTg về thực hiện “Chương trình quản lý tổng hợp vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven bờ tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung chiến lược nhằm tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị, đe dọa và phương thức sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, giá trị chung của vùng ven bờ và bảo vệ môi trường vùng ven bờ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, trang bị cơ sở vật chất. Các địa phương, ngành khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên; bảo vệ cồn cát ven biển, phục hồi dải rừng phòng hộ trên cồn cát, rạn san hô, khu bảo tồn thiên nhiên, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên nước, cảnh quan thiên nhiên cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử tại vùng ven bờ. Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường giảm thiểu, ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến môi trường do sự phát triển của các hoạt động kinh tế tổng hợp, đô thị hóa vùng bờ, sự cố môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ chất lượng môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người, an toàn dân sinh vùng ven bờ. Địa phương ven biển sử dụng bền vững tài nguyên vùng ven bờ, phát huy hiệu quả giá trị của vùng ven bờ, giảm xung đột lợi ích trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế trước mắt, lợi ích bảo vệ môi trường lâu dài; tăng cường cơ chế điều phối, thể chế, hợp tác phục vụ quản lý tổng hợp vùng ven bờ... Triển khai thực hiện Chiến lược có hiệu quả, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 4/1/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tất cả đều nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững mỗi địa phương và của tỉnh.

Để hướng tới một vùng ven bờ phát triển trên nền tảng phát huy các giá trị về lợi thế đặc thù; hài hòa với những cảnh quan sinh thái thiên nhiên, các giá trị văn hóa lịch sử và sản vật đặc sắc tạo môi trường an toàn cho đầu tư, sinh sống và hưởng thụ; nơi mà mỗi một người dân Bình Thuận đều gắn bó tự hào và trân trọng thì cần sự chung tay hành động, thực hiện kế hoạch của các bên có liên quan từ UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cộng đồng.

THÁI KHOA



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý tổng hợp vùng bờ Bình Thuận