Theo dõi trên

Tiềm năng, lợi thế của  Bình Thuận sẽ “hút” nhà đầu tư

13/04/2017, 08:11

BT - Giữa tuần sau (ngày 19/4), Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2017 chính thức diễn ra tại Sealinks City - TP. Phan Thiết với khoảng 500 đại biểu, trong đó có nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp khắp nơi sẽ về tham dự. Theo ông Trần Đức Tiến - Phó giám đốc Sở KH & ĐT tỉnh thì đây là lần đầu tiên một hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn, chuẩn bị bài bản được tổ chức tại Bình Thuận. Đây cũng là cơ hội tốt để địa phương giới thiệu trực tiếp tất cả tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà đến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực tìm hiểu và sớm quyết định khởi động các dự án.

Bình Thuận hiện đang nổi lên như một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam, do vậy thế mạnh về nghỉ dưỡng cao cấp, giải trí thể thao trên biển luôn có sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Những năm qua, biểu đồ tăng trưởng của hai chỉ tiêu cơ bản về lượng khách và doanh thu từ du lịch luôn thể hiện ở mức khá cao, được xem là yếu tố quan trọng thu hút những dự án có quy mô lớn. Như trong năm 2017, Bình Thuận phấn đấu đón 5.000.000 lượt khách (khách quốc tế chiếm khoảng 12%) thì ngay trong quý I đã đạt hơn 1.207.000 lượt, tăng gần 10% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh thu từ du lịch, ngành đề ra chỉ tiêu cán mốc 10.800 tỷ đồng nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017 đã thực hiện gần 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so cùng kỳ… Sở hữu 192 km chiều dài bờ biển, thời tiết nắng ráo quanh năm, cảnh quan thiên nhiên quyến rũ và nhiều điểm di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng, đến nay toàn tỉnh đã có 424 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 13.190 phòng. Tuy nhiên trong thời gian tới, Bình Thuận mong muốn mời gọi những nhà đầu tư chiến lược, đủ năng lực khai thác các dự án thể hiện đẳng cấp với quy mô lớn nhằm tạo ra “điểm nhấn” cho du lịch tỉnh nhà. Chẳng hạn như Trung tâm Dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né có diện tích gần 200 ha, cần nguồn vốn gần 10.000 tỷ đồng (tức khoảng 446,8 triệu USD). Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm du lịch, vui chơi giải trí, thương mại cao cấp, tổ chức sự kiện, trung tâm huấn luyện - thi đấu các môn thể thao biển của địa phương…

         
   

      

      Bình Thuận mong muốn    thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực để khai thác hiệu quả tiềm năng    và lợi thế ở địa phương, nhất là trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ.

Ở lĩnh vực công nghiệp vẫn được Bình Thuận khuyến khích đầu tư, nhất là với công nghiệp chế biến đang có khá nhiều lợi thế và dự báo phát triển ổn định như chế biến thủy sản, nước giải khát, thịt đóng hộp các loại, thức ăn gia súc… Đối với nguồn khoáng sản trên địa bàn tỉnh cũng rất đa dạng, đặc biệt là titan có trữ lượng đạt xấp xỉ 600 triệu tấn, chiếm đến 92% tổng trữ lượng tài nguyên quặng titan cả nước. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư nhằm từng bước hình thành trung tâm khai thác - chế biến sâu khoáng sản titan lớn nhất Việt Nam trong tương lai gần. Cùng với đó, Bình Thuận dần trở thành trung tâm năng lượng quốc gia khi thu hút hàng loạt dự án quy mô lớn về nhiệt điện, thủy điện, phong điện và hiện nay là điện năng lượng mặt trời.

Tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận không thể không nhắc đến lĩnh vực nông - thủy sản mà địa phương có trên 270.000 ha đất nông nghiệp, 283 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu và là một trong ba ngư trường lớn nhất nước. Dù vậy, trong giai đoạn sắp tới tỉnh sẽ ưu tiên thu hút những dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để khai thác hiệu quả lợi thế vùng chuyên canh cây thanh long, sản xuất tôm giống, chăn nuôi bò thịt - bò sữa… Hay như với sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 200.000 tấn hải sản với nhiều chủng loại có giá trị kinh tế cao, đầu tư vào dự án xây dựng nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu cũng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp…

Để mời gọi nhà đầu tư đến Bình Thuận khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế, việc khắc phục hạn chế về hạ tầng giao thông cũng được Trung ương, địa phương triển khai bằng những giải pháp phù hợp. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A - đoạn qua Bình Thuận, tiếp đến là chuẩn bị đầu tư đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Nha Trang. Bên cạnh đó Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đang đẩy nhanh thi công sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2018, còn Sân bay Phan Thiết dự kiến đầu tư hoàn thành vào năm 2019… Như vậy với điều kiện như trên, Bình Thuận tràn đầy cơ hội và tạo “cú hích” ở những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án đem lại hiệu quả cao.

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiềm năng, lợi thế của  Bình Thuận sẽ “hút” nhà đầu tư