Theo dõi trên

Phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở

03/03/2016, 09:25

BT - Trong 2 năm qua các lực lượng chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; triệt phá 107 băng nhóm tội phạm, bắt giữ 617 đối tượng; điều tra làm rõ 707/803 vụ án hình sự, bắt 949 đối tượng; trọng án làm rõ 97/105 vụ; bắt 289 vụ/1.558 đối tượng đánh bạc; 22 vụ/85 đối tượng hoạt động mại dâm; 249 vụ/601 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; khởi tố điều tra 37 vụ/34 bị can tham nhũng. Gọi hỏi, răn đe giáo dục và đưa ra kiểm điểm trước dân 3.320 đối tượng…

Tuy nhiên tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh vẫn tục diễn biến phức tạp, tính chất mức độ nguy hiểm, manh động ngày càng tăng. Thường án tăng, một số loại tội phạm nổi lên như giết người do nguyên nhân xã hội, hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em, trộm cắp cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc, mại dâm chưa được kiềm chế; tội phạm và tệ nạn ma túy có chiều hướng gia tăng, đến thời điểm này toàn tỉnh có trên 1,9 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ theo dõi… Mới đây nhất trong tháng 2/2016 xảy ra 2 vụ giết người gây bàng hoàng dư luận tại bến đò Hòa Phú (Tuy Phong) và trước cổng Trường THCS Nguyễn Du (Phan Thiết) là minh chứng cho tình hình tội phạm gia tăng, bất chấp đạo lý và pháp luật. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do sự tác động xấu của mặt trái kinh tế thị trường; xu hướng đề cao hưởng thụ, vì tiền có thể làm bất cứ việc gì kể cả vi phạm pháp luật; đạo đức xã hội xuống cấp; sự tác động của phim ảnh bạo lực làm cho nhân cách của bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng và có xu hướng giải quyết tranh chấp bằng bạo lực.

Để tạo chuyển biến mạnh trong phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, các lực lượng chức năng, trước hết là ngành công an cần tiếp tục mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm và tệ nạn xã hội. Nâng cao tỷ lệ điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các vụ án hình sự, nhất là trọng án, các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, tội phạm tham nhũng, môi trường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Phối hợp tốt giữa các ngành xử lý nghiêm các vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh trật tự, kinh tế, môi trường để giáo dục, răn đe và ngăn ngừa tội phạm, vi phạm.

Thực tế cho thấy, địa bàn dân cư là nơi dễ phát hiện tội phạm nhất, chính quyền cơ sở cùng quần chúng nhân dân chính là bộ phận quan trọng tham gia có hiệu quả vào công tác giữ gìn trật tự ở cơ sở, đấu tranh phòng chống tội phạm. Do vậy phải xác định công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc, sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, dựa vào nhân dân là chính. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, trong đó ngành công an đóng vai trò nòng cốt, xây dựng quy chế phối hợp, phân công rõ trách nhiệm của từng lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Làm tốt công tác tuyên truyền vận động đến từng người dân thông qua sinh hoạt, hội họp của từng ban ngành, đoàn thể. Phối hợp xây dựng kế hoạch tuần tra, giám sát trong những dịp lễ, tết và các sự kiện lớn của địa phương, nhất là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp sắp tới. Nêu cao ý thức về phòng chống, tố giác tội phạm của nhân dân; chăm lo, giáo dục con em của địa phương không dính vào các tệ nạn xã hội. Vận động các tổ chức đoàn thể và nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, chú ý đến các đối tượng từ nơi khác đến địa phương cư trú, nêu cao cảnh giác với các đối tượng khả nghi, các tụ điểm đông người. Quản lý chặt chẽ các đối tượng vi phạm pháp luật của địa phương, vận động gia đình, người thân giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ họ. Giải quyết thấu đáo các vấn đề bức xúc nổi cộm ở địa phương cũng là giải pháp tốt để ngăn ngừa tranh chấp, phạm tội.

Tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng nếu có sự quyết tâm và chỉ đạo sâu sát, kiểm tra kịp thời của cấp ủy và chính quyền, nòng cốt là ngành công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật thì công tác phòng ngừa tội phạm sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong phạm vi toàn tỉnh cũng như từng địa phương, cơ sở.

HỒNG LÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở