Theo dõi trên

Huyền thoại về Thầy Thím: Một giả thuyết mới

30/01/2018, 08:43

BT- Dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi) được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1997. Đây là một địa chỉ tâm linh, tín ngưỡng nổi tiếng ở Bình Thuận, được đông đảo du khách thập phương, trong đó có cả bà con kiều bào ở mọi nơi trên thế giới, biết và tìm đến hành hương chiêm bái, nhất là vào dịp lễ hội Dinh Thầy Thím tổ chức vào trung tuần tháng 9 âm lịch hàng năm. Bên cạnh những giá trị của di tích và lễ hội, không thể không nhắc đến sự tích Thầy Thím. Là một truyền thuyết dân gian được truyền tụng tự bao đời nay, nội dung sự tích giới thiệu về thân thế và ca ngợi công đức của Thầy Thím, qua đó giáo dục con người biết hướng thiện, sống nhân ái, đạo nghĩa.

Sự tích Thầy Thím là một câu chuyện mang nhiều màu sắc huyền thoại, được người đời truyền kể, thậm chí là “sân khấu hóa”, dàn dựng rất hấp dẫn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, sau “lớp áo” kỳ bí của các chuyện kể dân gian, liệu có ẩn giấu một sự thật lịch sử nào đó hay không? Đó cũng chính là động lực thôi thúc giới học giả cố gắng “giải ảo” những huyền thoại một cách hợp lý, thuyết phục. Nói một cách đơn giản, “giải ảo” - tức là đi tìm, làm sáng tỏ một sự thật lịch sử, mà có thể vì nhiều nguyên nhân, “lớp bụi thời gian” đã phủ mờ chúng. Vấn đề này xưa nay không hiếm gặp, cả Đông lẫn Tây, ví dụ như chuyện Huyền Trân công chúa thời nhà Trần từng dấy lên nhiều làn sóng tranh luận.

Quay lại sự tích Thầy Thím, câu hỏi đặt ra Thầy Thím là nhân vật lịch sử có thật, hay nhân vật do tác giả dân gian hư cấu nên? Trong Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng số 24/2011, có công bố bài viết của nhà nghiên cứu Trần Viết Điền (NNC TVĐ) với tiêu đề: “Về Miếu Thất Vị ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế”. Tuy chủ đích bài viết không nhằm nói về Dinh Thầy Thím ở Bình Thuận, nhưng lại gợi mở một chi tiết rất đáng chú ý. Bài viết dài, có thể tóm tắt thành mấy ý: Cả làng La Qua (Điện Bàn, Quảng Nam) và xóm Kim Bồng (nay là làng Hòa An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đều có ngôi miếu mang tên Miếu Thất Vị. NNC TVĐ đặt câu hỏi: Mối quan hệ giữa hai miếu này là gì, khi cùng thờ (xương cốt) 7 nhân vật (nên gọi là “thất vị”) không rõ là ai (và có liên quan đến 1 nhân vật khác)? Cốt lõi lịch sử nào trong các truyền thuyết nhiều dị bản về những vị thần được thờ ở miếu? Và chúng có liên hệ gì với sự tích Thầy Thím ở Bình Thuận, khi theo lời kể dân gian - Thầy Thím vốn quê ở làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, từng bị nhà Nguyễn khép tội chết?

Lần lượt “mò mẫm”, kết nối các dữ kiện nghiên cứu có được (có thể tìm đọc bài viết của NNC TVĐ để hiểu rõ thêm chi tiết), ông dần lập nên một giả thuyết trả lời cho tất cả các câu hỏi trên như sau:

Năm 1802, vua Gia Long cho hành tội Nguyễn Huệ và các nhân vật nhà Tây Sơn. Xương cốt 7 “tử tội” cho vào giỏ mây, bắn ra sông Hương. Có lẽ chúng đã trôi theo dòng rồi tấp vào bờ xóm Kim Bồng. Xóm này vốn là nơi ngụ cư của những lính thợ gốc Quảng Nam, chuyên đóng thuyền bè phục vụ thủy quân từ thời chúa Nguyễn, qua thời Tây Sơn, rồi đến thời các vua Nguyễn. Về sau, người dân xóm Kim Bồng phát hiện các giỏ mây có cốt đã hóa thạch, bí mật cho thờ phụng, theo thời gian tôn tạo thành Miếu Thất Vị.

Một vị quan nhà Tây Sơn từng biết bí mật về 7 giỏ mây có hài cốt này, đã lui về ẩn dật ở làng La Qua (Quảng Nam), tạo nên thần thoại, dựng 7 bệ thờ (sau gọi là Bảy Miếu, hay Miếu Thất Vị), thực chất nhằm hương khói các vua, hoàng hậu, tướng lĩnh Tây Sơn bị hành hình năm xưa một cách âm thầm, kín đáo. Vị cựu thần Tây Sơn này tinh thông lý số, từng giúp dân làng La Qua. Tiếng đồn đến tai triều đình, vị nho sĩ - đạo sĩ này bị khép tội chết. Có khả năng, ông đã tránh được vào Bình Thuận. Và đây chính là cốt lõi của truyền thuyết về Thầy Thím ở La Gi.

Tóm lại, nếu muốn “giải ảo” huyền thoại về Thầy Thím, từ góc nhìn gợi mở của NNC TVĐ, có thể tạm suy luận rằng: Thầy (Thím là vợ Thầy) là một vị quan quân nhà Tây Sơn, do có ý/ bị nghi ngờ vọng về/ âm thầm nhớ về triều đại cũ mà bị nhà Nguyễn khép tội chết, song đã lánh được vào vùng đất Bình Thuận xa xôi. Dưới những biến động thời cuộc lúc bấy giờ, vì nhiều lý do, “màn sương” kỳ bí, hoang đường, tâm linh được dựng lên. Lâu dần, sự thật rơi vào lãng quên, không còn ai biết đến nữa.

Tất nhiên, giả thuyết trên vẫn còn nhiều “điểm mờ”, vì chính NNC TVĐ cũng nhận định rằng đó là một “giả thuyết táo bạo”, cần được “tiến hành kiểm chứng trong tinh thần khoa học”. Theo chúng tôi, đây vẫn là một góc nhìn cần lưu tâm cho giới học giả nghiên cứu về Dinh Thầy Thím ở Bình Thuận, hay chí ít là một câu chuyện lý thú. Song, tùy quan điểm mỗi người, việc truy tìm nguồn gốc thật sự của nhân vật Thầy Thím cũng có thể chỉ mang tính “trà dư tửu hậu” và không mấy cần thiết, vì chắc chắn một điều rằng, huyền thoại về Thầy Thím đã in đậm vào tâm thức của nhiều người, nhất là những người dân địa phương nơi đây. Bởi ở đó toát lên một tinh thần - một giá trị nhân văn cao cả, nhắn gửi nhiều bài học sâu sắc về lẽ sống làm người.

PHÚC THỊNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huyền thoại về Thầy Thím: Một giả thuyết mới