Theo dõi trên

Rộn ràng Lễ hội Katê

30/09/2019, 11:09 - Lượt đọc: 24

BTO- Cứ vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 Chăm lịch, đồng bào Chăm Bà-la-môn lại tổ chức Lễ hội Katê. Năm nay hoạt động này được tổ chức đúng vào ngày 27 – 28/9 dương lịch. Lễ hội diễn ra từ các ngôi đền tháp, đền thờ cho đến các xóm làng rồi  gia đình, tạo thành dòng chảy liên tục, đặc sắc, riêng biệt. Qua 15 lần tổ chức, đến nay Lễ hội Katê tại di tích tháp Pô Sha Inư (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết), đã trở thành địa chỉ quen thuộc của cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận và là sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách. Lễ hội năm nay gồm cóphần lễ và phần hội được tổ chức đan xen. Trong đó phần lễ là nội dung chính, do chức sắc người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp điều hành, thực hiện theo đúng nghi thức tôn giáo, phong tục truyền thống.

Ngay sau lễ khai mạcLễ hội Katê 2019, là nghi lễ nghinh rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư. Đã có đông đảo các vị chức sắc tôn giáo, bà con người Chăm Bà-la-môn thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh,cùng du khách tham gia nghi thức này. Dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, lễ rước y trang của nữ thần Pô Sah Inư diễn ra nghiêm trang nhưng không kém phần đặc sắc với dòng người hòa trong tiếng trống, điệu múa… kéo dài từ sân lễ lên tháp chính, tái hiện Tết Katê độc đáo và lâu đời của người Chăm. Sau đó là các nghi lễ mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga – Yoni, mặc trang phục và đại lễ cúng mừng Katê. Đây là sự kiện lớn được đồng bào Chăm tổ chức hằng năm nhằm cầu mong các vị thần độ trì, tạo mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.

 

Trong không gian lễ hội, ngoài chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc Chăm cổ của cụm Tháp Pô Sah Inư, du khách còn được tìm hiểu nét đặc sắc của văn hóa Chăm thông quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu hình ảnh du lịch, văn hóa, sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệtiêu biểu của các địa phương có người Chăm sinh sống. Đồng thời hòa thưởng thức và trải nghiệm các phần thi, trò chơi mang đậm nét truyền thống của dân tộc Chăm. Trong đó có hội thi nắn bánh gừng, thổi kèn Saranai, trưng bày và trang trí lễ vật trên Thônla, Cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sha Inư tại sân khấu chính, giữa nghệ nhân Chăm các huyện. Chương trình nghệ thuật Chăm do đội văn nghệ dân gian các huyện và Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh kết hợp biểu diễn.Các trò chơi dân gian như thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, đi cà kheo, đẩy gậy, nhảy bao bố, đập niêu…

Thùy Linh – Ngọc Lân – Hồng Châu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rộn ràng Lễ hội Katê