Thương nhớ nhạc sĩ Phó Đức Phươn
Thương nhớ nhạc sĩ Phó Đức Phương: Ông chảy mãi như dòng sông dưới lòng đất mẹ
BTO- Một trong những nhạc sĩ “gạo cội” có nhiều ca khúc gắn liền với “Cây đa,
bến nước, sân đình” của người Việt là Phó Đức Phương. Ông đã đi vào cõi vĩnh
hằng theo qui luật “sinh lão bệnh tử” của mỗi đời người, song những ca khúc của
ông mãi khắc sâu trong tim người Việt bởi tính mộc mạc của ca từ; kiêu sa mà gần
gũi; dung dị mà đầy triết lý nhân văn sâu sắc về làng quê Việt Nam.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, ảnh tư liệu.
Hồn Việt trong mỗi bài ca
Một
trong những ca khúc đậm chất làng quê Việt Nam nhất của cố nhạc sĩ Phó Đức
Phương phải nói đến ca khúc “Về quê”. Ca khúc này được ông sáng tác 1998 theo
đơn đặt hàng cho Đoàn ca nhạc dân ca quan họ Bắc Ninh để đi hội diễn theo lịch
của Bộ Văn hóa.
Vào
những năm 1998-1999 của thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, “Về quê” là một bản
nhạc vượt trội về chất liệu dân ca ngợi ca làng quê Việt Nam so với hàng trăm ca
khúc của nhiều nhạc sĩ cùng ra đời ở thời điểm đó. Một trong những người thể
hiện thành công nhất ca khúc về quê là nghệ sĩ Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, thế
hệ sau có ca sĩ Quang Linh. Do giai điệu gần gũi dễ thuộc dễ nhớ, mà từ người
già đến trẻ em, từ nam thanh đến nữ tú, từ đám cưới đến giờ giải lao giữa trưa
hè oi ả, những ca từ dung dị, trữ tình, sâu lắng vút cao, ngân nga “Thương nhau
ta thì về, thăm lại miền quê, nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về”
say đắm lòng người.

Một sĩ quan Hải quân thể hiện ca khúc “Chảy đi Sông ơi” của nhạc sĩ Phó Đức
Phương trong một buổi giao lưu nghệ văn nghệ giữa câu lạc bộ thơ ca Vũng Tàu và
Hội văn học nghệ thuật thành phố Bảo Lộc - Lâm Đồng
Có
thể nói, hiếm có ca khúc nào của nhạc sĩ nào lại “lột tả” được chất quê mộc mạc
chân thành như “Về quê” của Phó Đức Phương. Cái đặc biệt của “Về quê” không chỉ
giai điệu trữ tình mượt mà chảy như dòng sông quê êm đềm, “ghi chép” lại nơi
chôn rau cắt rốn và tuổi thiếu thời của mỗi đời người; mà còn đưa “bánh đa, bánh
đúc”, hạt gạo củ khoai - những “ngọc thực” của vùng nông thôn Việt Nam gắn liền
với người quê một đời lam lũ thành những ca từ đắt giá. Để rồi khi lời ca cất
lên “Đưa nhau ta thì về, nơi mẹ đưa nôi, nơi sáo diều chơi vơi, với dòng sông
bến lở bến bồi” ai cũng cảm nhận được quê hương mình trong đó. Có lẽ vì thế mà
mỗi khi nghe “Về quê”, ai cũng có cảm giác đang nói, đang hát về chính quê hương
yêu dấu của mình.
Một
trong những ca khúc đậm “hồn Việt” là “Hồ Núi Cốc”. Nhạc phẩm này ra đời năm
1982 nói về chuyện tình đôi trai gái yêu nhau say đắm ở quanh đập Hồ Núi Cốc ở
tỉnh biên giới Thái Nguyên nhưng không thành vợ thành chồng.
Bằng
tất cả sự khát vọng xây đập Núi Cốc khơi nguồn dẫn dòng nước từ mạch rừng về
những bản làng xa xôi hẻo lánh cho bà con bản xứ. Bằng bút pháp nghệ thuật và
tài năng độc đáo cách biệt, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã sử dụng tích chuyện dân
gian, dệt câu chuyện tình của đôi trai gái thành núi và sông để chảy mãi theo
thời gian không bao giờ vơi cạn. Những ca từ: “Một đời đau nước mắt thành sông.
Một người chờ, chờ hóa núi, ơi chàng trai ơi ngọn núi biếc, ơi cô gái ơi dòng
sông sâu”, như lời kêu gọi nam thanh nữ tú người bản xứ hãy đứng lên thực hiện
khát vọng của mình. Để cho dòng sông chảy mãi, để ngọn núi thêm cao, để người
Việt nơi đầu nguồn biên giới có cơm no áo ấm.

Tiết mục “Về quê” của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang trong Cuộc thi Nghệ thuật
Ca múa nhạc toàn quốc đợt 2 năm 2015 tại thành phố Bà Rịa tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu, tháng 9-2015
Một
trong những ca khúc “độc, lạ” không có nhạc sĩ nào có thể viết được là “Trên
đỉnh phù vân”. Có thể nói, đây là ca khúc có âm hưởng giai điệu và lối sử dụng
ca từ “độc nhất vô nhị” trong làng bản nhạc Việt tính đến thời điểm này. Chỉ cần
nghe những ca từ: “Mênh mênh mang mang Phù vân Yên tử, vi vu vi vu Trúc lâm
Thiền tự” đã “nổi da gà” vì chất nghệ thuật “ma mị” của nó. Những ca từ có sự
kết nói linh thiêng giữa quá khứ và hiện tại, giữa đất trời và vạn vật, giữa con
người và thiên nhiên nơi vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Ca sĩ thể hiện thành công
nhất ca khúc này là Mỹ Linh, sau đó là Tùng Dương.
Sống hết mình, cống hiến hết mình
Tôi
may mắn được gặp nhạc sĩ Phó Đức Phương trong cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc
toàn quốc đợt 2 năm 2015 tại TP. Bà Rịa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông đến cuộc thi
này không phải với tư cách ban giám khảo, mà đến để nghe ca sĩ của Đoàn nghệ
thuật Kiên Giang thể hiện ca khúc “Về quê” của ông.
Giữa
không gian âm nhạc với gần 1.000 khán giả có mặt đêm ấy, ông rơi nước mắt khi ca
sĩ trẻ của Đoàn nghệ thuật Kiên Giang tái hiện làng quê Việt Nam với cảnh chàng
trai cô gái trên sông với con đò nhỏ.
Đêm
diễn kết thúc, tôi “bám” theo ông với tư cách là người lính biển ái mộ nhạc sĩ
tài hoa. Hôm đó có cả nhạc sĩ Trần Tiến và vợ của ông. Bên bàn trà khuya giữa
thành phố biển, ông kể nhiều chuyện về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác âm nhạc.
Hỏi về hoàn cảnh sáng tác và tâm tình của ông khi ra đời ca khúc “Về quê”. Ông
bảo: “Đây là ca khúc nằm lòng của tôi. Tôi viết nó theo mách bảo của trái tim.
Trong quá trình viết lời, tôi đã nhiều lần buông bút lau nước mắt vì xúc động.
Tôi viết về quê như mệnh lệnh trái tim. Và đó cũng là ca khúc tri ân của tôi đối
với quê hương tôi sinh ra. Đời tôi cũng giản dị chân thành như những ca từ trong
bài hát ấy”.
Năm
2017, tôi lại may mắn gặp lại Phó Đức Phương lần thứ hai tại Nhà hát lớn Hà Nội
trong chương trình Tổng kết và trao giải Cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà
cao quí và giao lưu nghệ thuật khắc sâu lời Bác dạy”. Trong chương trình này, có
sự trình diễn của nữ ca sĩ Anh Thơ. Thêm một lần nhạc sĩ Phó Đức Phương xúc động
rưng rưng khi nữ ca sĩ xứ Thanh cùng nhóm múa thể hiện ca khúc “Về quê” của ông.
Hỏi về cách sử dụng hình ảnh, ngôn, họa trong bài hát “Về quê”, Phó Đức Phương
chia sẻ: “Tôi sử dụng
âm nhạc đậm chất dân gian đồng bằng Bắc bộ, ca từ mang tính hình tượng gợi nhớ
hình ảnh làng quê êm đềm”. Có lẽ vì thế mà “Về quê” là dễ thuộc dễ nhớ,
ăn sâu, bám rễ trong tâm khảm người Việt qua nhiều thế hệ, và nó cũng được coi
là ca khúc vượt thời gian.

Ca sĩ Anh Thơ thể hiện ca khúc “Về quê”của nhạc sĩ Phó Đức Phương trong chương
trình Trao giải “Những tấm gương bình dị mà cao quí” tại Hà Nội
Nhạc
sĩ Phó Đức Phương qua đời lúc 12 giờ 18 phút trưa 19/9 tại Hà Nội sau thời gian
chống chọi với bệnh ung thư tụy, hưởng thọ 76 tuổi. Trong thời gian điều trị
bệnh, ông luôn giữ tinh thần lạc quan. Mỗi ngày, ông nghe lại những nhạc phẩm
của mình để thư giãn và tìm về ký ức đã qua.
Nhạc
sĩ Phó Đức Phương SN 1944 ở Hưng Yên. Năm 18 tuổi ông thi đỗ vào khoa Toán Đại
học sư phạm. Tuy nhiên, năm 1965, khi gần tốt nghiệp, ông xin thôi học với lý do
hoàn cảnh gia đình và trở thành nông trường viên thuộc Nông trường Cửu Long (Hòa
Bình).
Ông
nổi tiếng với nhiều ca khúc như “Về quê”, “Chảy đi sông ơi”, “Hồ trên núi”,
“Trên đỉnh Phù Vân”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Khúc hát
phiêu ly”. Tất cả những ca khúc ấy đều có một mẫu số chung là “Khắc sâu hồn
Việt” trong tim người Việt. Ông không chỉ là nhạc sĩ tài hoa sáng tác những ca
khúc nổi tiếng vang vọng khắp non sông và vượt trội thời gian; ông còn là người
tiên phong bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc 20 năm qua. Năm 2001, ông được tặng
Giải thưởng nhà nước về các tác phẩm “Chảy đi sông ơi”, “Một thoáng Tây hồ”,
“Trên đỉnh Phủ Vân”, “Nha Trang thu”, “Những cô gái quan họ”.
Đồng hành cùng với cuộc đời nhạc sĩ Phó Đức Phương là những bản tình ca
đậm chất hồn Việt. Quê hương đất nước chảy trong huyết quản ông. Nó như
mạch máu trong người ông chảy mãi đến phút cuối đời. Ông đã từng viết:
“Sông hiến mình tất cả, đời sông không hề tiếc vơi đầy”. Đời ông cũng
vậy. Sống hết mình, cống hiến hết mình vì nền âm nhạc Việt Nam. |
Mai Thắng