Theo dõi trên

Lạc Tánh, những khúc đoạn thăng trầm

28/06/2019, 15:09

BT-  Mùa nay, nhìn từ trên cao xuống, vùng đất nơi con sông La Ngà chảy qua này đang phủ dày một màu xanh, màu xanh của thiên nhiên hiền hòa, của đời sống sung túc và của cả sự bình yên. Chợt tôi thèm nghe lại tiếng trống Paranưng, tiếng kèn Saranai của người Chăm, thèm nghe tiếng kèn bầu, tiếng cồng chiêng của người Raglai, tiếng đàn tín, tiếng lục lạc trong điệu múa Trầu, hát Then của người Tày, Nùng như trong cuộc liên hoan văn nghệ tại thị trấn miền núi Lạc Tánh hôm nào.

                
Một góc thị trấn Lạc Tánh.

 Chính quyền năng động

Ông Nguyễn Như Hùng - Bí thư Đảng ủy thị trấn tiếp tôi trong phòng làm việc bình thường như bao phòng khác trong dãy nhà khối Đảng ủy. Tôi hỏi: Hệ thống chính quyền ở đây rất năng động, không biết nhận xét này có đúng không? Ông Hùng cười vui vẻ: Tất nhiên cũng còn chỗ này chỗ khác cần khắc phục, nhưng nhận xét chung như vậy cũng phải. Để dẫn chứng, ông Hùng kể tôi nghe câu chuyện về biện pháp đem lại an ninh cho toàn bộ khu thị trấn... Cũng như những khu thị tứ khác, Lạc Tánh cũng có những thành phần trộm cướp, gây rối, hư hỏng. Trong thời kỳ mới thành lập, từ lãnh đạo đến hệ thống công an đều đau đầu, lúng túng trong việc xử lý. Sau, chúng tôi tổ chức điều tra từng khu phố để khoanh các đối tượng và tổ chức những buổi đối thoại chân tình với họ. Tất cả các đối tượng mời đến được đón tiếp thân mật, tuyệt đối không nhắc đến quá khứ của họ, chỉ là sự quan tâm đến đời sống, công ăn việc làm và những thiếu thốn, bức xúc. Ban đầu, họ còn giữ kẽ, e ngại nhưng dần dần họ cảm nhận được sự tiếp đón trọng thị xuất phát từ tình cảm chân thành. Từ đó họ thành thật trình bày những khó khăn của mình. Người không có nghề được giới thiệu, giúp đỡ cho đi học nghề, người không có vốn làm ăn thì giúp họ lên kế hoạch cụ thể để dựa vào đó mà cho vay vốn. Tình hình an ninh trở nên yên ổn, các tệ nạn giảm hẳn. Phương pháp đối thoại đã mang lại hiệu quả rất tốt, đã được Công an huyện tặng giấy khen.

Chuyện thứ hai để chứng minh cho sự năng động là việc mắc 32 camera an ninh trên khắp các tuyến đường thị trấn. Đảng ủy và ủy ban đã trực tiếp đi vận động các doanh nghiệp góp tiền để mắc hệ thống theo dõi hiện đại và hiệu quả này. Vì mục đích đúng đắn đem lại sự bình yên cho cả thị trấn nên các doanh nghiệp nhiệt tình ủng hộ ngay. Chưa đầy một tháng kế hoạch đã hoàn thành, giúp cho cơ quan công an và các ban, ngành liên quan rất nhiều trong việc quản lý an ninh khu vực…

Việc thành lập Đội nữ dân phòng Chăm cũng đem lại hiệu quả. Lạc Tánh có 12 dân tộc anh em gồm: Kinh, Chăm, Raglay, Chơro, Cơ ho, Nùng, Tày, Mường, Mèo, Thổ, Khơme và Hoa.  Các dân tộc thiểu số sống ở các khu phố Chăm, Trà Cụ và Tân Thành, trong đó người Chăm chiếm đa phần. Mỗi dân tộc có những ngành nghề truyền thống và gắn bó lâu đời tạo nên sự liên kết trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên ở các địa phương này vẫn còn các tệ nạn xã hội. Trước tình hình đó, vào năm 2016, lãnh đạo thị trấn chỉ đạo thành lập đội Nữ dân phòng Chăm dựa vào đặc điểm mẫu hệ của dân tộc. Đội có 10 phụ nữ tình nguyện, chị Thông Thị Kim Thảo được bầu là đội trưởng, chị Đồng Thị Bạch Tuyết giữ đội phó. Hàng đêm, cả đội đi tuần quanh khu phố, kịp thời xử lý nhiều vụ tệ nạn, đem lại sự bình yên cho dân.

Ông Hùng nhấn mạnh quan điểm của mình: “Ở một khu thị tứ mà an ninh không ổn định thì không những không phát triển được gì mà còn làm cho đời sống người dân trở nên bất an. Chính vì vậy mà vấn đề an ninh được đặt lên hàng đầu”.

 Sức mạnh từ sự đồng thuận

Còn nhớ, hơn 10 năm trước tôi có việc đến Lạc Tánh, khi đó thị trấn mới được thành lập, trên địa bàn chỉ có hai tuyến giao thông chính đó là đường tỉnh lộ 335 và 336, mặt đường chủ yếu là nhựa rải đá lởm chởm, xuống cấp nghiêm trọng. Các tuyến đường trong khu dân cư hầu hết là đường đất lẫn với đá. Bắc ngang qua suối Cát ở khu trung tâm là chiếc cầu sắt tạm bợ. Đời sống dân chúng còn rất nghèo khổ, cái ăn cái mặc thiếu thốn, nỗi lo lắng thường xuyên hằn sâu trên những khuôn mặt hốc hác của những nông dân trên đường ra Cánh Đồng Lớn.

 Sau 20 năm, hệ thống giao thông trên địa bàn thị trấn đã khá khang trang, thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hóa của người dân. Nhiều tuyến đường huyết mạch, quan trọng được đầu tư chất lượng cao như tỉnh lộ ĐT 720, quốc lộ 55. Nhiều tuyến đường nội thị, giao thông nông thôn cũng được đầu tư dần từng bước theo hướng nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ. Đến nay, toàn thị trấn đã hoàn thành 19 tuyến/7,6 km đường nội thị và 17 tuyến/4,2 km đường giao thông nông thôn, với tổng nguồn kinh phí trên 130 tỷ đồng. Những con đường như những cánh tay vươn ra kết nối, để từ đó các mối quan hệ, các tuyến giao lưu hàng hóa, các dự án phát triển về mọi lĩnh vực được mở rộng, được phát triển. Khu dân cư mới bên bờ suối Cát được hình thành từ dự án mở rộng khu dân cư thị trấn, nhà cửa kiểu phố đã mọc lên san sát, cửa hàng, cửa hiệu, các quán ăn, tiệm giải khát cũng bắt đầu mở ra nhiều hơn. Dân bớt nghèo đi, chính quyền mạnh lên.

Một điểm sáng khá nổi bật của Lạc Tánh là sự phát triển giáo dục. Khi thành lập, Lạc Tánh chỉ có 2 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường trung học nội trú và 1 trường mẫu giáo. Ngày nay, toàn thị trấn đã phát triển được 10 trường công lập (3 trung học cơ sở, 4 tiểu học, 3 mẫu giáo) và 2 trường tư thục mầm non cùng nhiều trung tâm đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó có 5 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, 2 trường (1 tiểu học, 1 mầm non) được công nhận chuẩn quốc gia mức độ II.

Ông Nguyễn Sang, một người dân ở Trà Cụ vui vẻ nói: “Ngày trước Lạc Tánh như “cái đảo” ít ai biết tới, dân nghèo, dân khổ, suốt ngày bán lưng cho trời bán mặt cho đất mà cũng không đủ cái bỏ vô miệng. Gì cũng khó, học hành khó, đi đứng khó, muốn mua muốn bán cái gì cũng “chằn ăn trăn quấn”… Giờ, Lạc Tánh là phố núi rồi, có đường có điện, đời sống cứ thế mà đi lên thôi.”

Quả thật sau 20 năm quay lại Lạc Tánh, tôi thật sự xúc động trước sự thay da đổi thịt nơi đây. Tất nhiên có được ngày nay, mọi sự không hề đơn giản. Chẳng hạn về tình hình dân sinh kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực là một quá trình nan giải. Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của Lạc Tánh đã từng vận động nội bộ “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, mỗi thành viên góp 100.000 đồng để tạo quỹ giúp từng hộ một, phân công mỗi người theo dõi, giúp đỡ một hộ. Ban chỉ đạo phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đối với thanh niên có nhu cầu. Qua đó giải quyết hơn 100 lao động có việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm theo từng năm.

    
    Trước   1975, xã Lạc Tánh cũng là trung tâm huyện lỵ Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy   cũ. 8 năm sau đó, Lạc Tánh thuộc về huyện Đức Linh. Đến ngày 1/7/1999,   xã Lạc Tánh được Chính phủ công nhận là thị trấn và là trung tâm chính   trị, kinh tế - văn hóa của huyện Tánh Linh. Sau 20 năm, Lạc Tánh từ vô   vàn khó khăn ban đầu đã từng bước vươn lên thành một thị trấn khá sầm   uất và yên bình. Hiện Lạc Tánh là nơi có mật độ dân cư vừa phải, với   diện tích 3.816 ha cho 20.000 nhân khẩu. Thu nhập bình quân tính đến   thời điểm 2018 khoảng 1.800 USD/người/năm, tương đương khoảng 38,7 triệu   đồng/năm. Trên tất cả các tuyến đường trung tâm đều có đèn đường và   camera an ninh để bảo đảm cho đời sống bình yên của người dân.

Ký: Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng vĩ đại của dân tộc anh hùng
70 năm trước, ngày 7/5/1954, khi ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Đờ Cát Tơ ri, kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt của quân dân ta, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta… đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một chiến thắng vĩ đại của một dân tộc anh hùng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạc Tánh, những khúc đoạn thăng trầm