Theo dõi trên

Những hệ lụy từ vay tiền trên các tờ rơi

20/11/2018, 08:50

BT- Vay nhanh, vay không thế chấp, vay CMND hóa đơn tiền điện… giờ trở thành phổ biến ở khắp nơi. Nhiều người vì khó khăn, vì thiếu tiền để giải quyết chuyện phát sinh, đã nhắm mắt làm liều, phần khác họ khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Cái vòng lẩn quẩn, khiến họ trở thành con nợ chồng chất.  

Vay ở đâu?

Ngân hàng là một trong những nơi giao dịch tiền tệ giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay tốt nhất, nhằm hỗ trợ và giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Nhưng để tiếp cận được với các nguồn vốn vay của ngân hàng thì không phải doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào cũng có cơ hội. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến việc dù lãi suất cao nhưng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn chọn giải pháp đi ngoài, vay nặng lãi. Chưa kể vay ngoài thời gian giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản và có thể vay được vốn nhiều hơn ngân hàng.

Theo H, một người cho vay nặng lãi ở Phan Thiết, thì nguồn tiền dùng để cho vay được huy động bằng nhiều hình thức, nhiều kiểu khác nhau. Một số người có sẵn vốn từ bản thân, gia đình, nhưng cũng có một số người vay tiền từ những người thân, bạn bè rồi cam kết trả lãi cao, kiếm tiền chênh lệch. Đây là hình thức kinh doanh trung gian hay còn gọi là môi giới trong kinh doanh. Một số người vì hám lợi còn đưa sổ đỏ nhà cửa, đất đai đi thế chấp để vay tiền ngân hàng rồi lại đem số tiền đó cho vay nặng lãi. Như vậy, họ vừa có tiền để trả nợ ngân hàng, vừa có tiền để sử dụng cho mục đích cá nhân. Lại có những người không cần vốn để cho vay mà họ huy động vốn từ những người lấy lãi suất thấp rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn rất nhiều mà không yêu cầu người vay của họ bất kỳ thủ tục nào. Đây là hình thức cho vay đánh vào tâm lý những người đi vay “nóng”, ngại các thủ tục thế chấp tài sản. Còn một hình thức nữa, đến thời gian đáo hạn nhưng chưa đủ tiền trả, thì nhiều đối tượng chấp nhận vay nóng để trả cho ngân hàng để được giải ngân trở lại. Sau đó họ trả vốn và lãi cho phía vay nóng dù lãi suất không hề thấp.

Tuy nhiên, những người đứng ra cho vay kiểu này đều là những người có “máu mặt”. Đối tượng dám đi vay hình thức này cũng phải thông qua sự quen biết, giới thiệu. Đây là hình thức cho vay nặng lãi gắn liền với các hoạt động đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Khi cho vay, họ cũng liên hệ với ngân hàng để xem hồ sơ đó có được giải ngân hay không, nếu hồ sơ “sạch” thì họ chờ để lấy lại phần cho vay. Nhưng phổ biến hiện nay nhất là các kiểu vay: “vay cột điện”, “vay trên các tờ rơi” được phát miễn phí ở các tuyến đường ngã ba, ngã tư, vay không thế chấp, đối tượng là người nghèo, khó tiếp cận vốn với ngân hàng đang cần tiền trang trải, mua sắm… mà lãi suất đến vài chục đến vài trăm phần trăm, trả hoài không hết.  

Nhiều bi kịch

Đã có không ít những hệ lụy như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh. Vay tín dụng đen, xét trong nền kinh tế thị trường còn nhiều hình thức khác thiên về giao dịch dân sự như cầm đồ, cho vay nặng lãi. Theo đó, các dịch vụ siết nợ, đòi nợ thuê sẽ gia tăng, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Trên nhiều ngã đường tại TP.Phan Thiết, hay các huyện, thị xã đang xuất hiện nhan nhản những mẫu quảng cáo cho hoạt động tín dụng đen bằng nhiều hình thức chiêu dụ như “vay tiền nhanh, thủ tục đơn giản, giao tiền trong 30 phút...”. Hoạt động này cũng “giăng lưới” khắp các trang mạng, chỉ cần gọi điện thoại là có tiền ngay. Nhưng lãi suất cao ngất ngưởng, theo một thành viên của đường dây này, T cũng thẳng thắn cho biết: Nếu người thân thiết giúp đỡ nhau thì lãi suất chỉ... 10%/tháng, còn trung bình từ 20 - 30%/tháng. Theo T. phổ biến hiện nay là hình thức cho vay đứng, chứ không thu “một cục” hằng tháng như trước, lãi suất tính hàng ngày. Chẳng hạn vay nợ 10 triệu đồng, chủ nợ ngày nào cũng đến thu 100.000 đồng, tiền nợ gốc vẫn giữ nguyên, tính ra lãi suất mỗi tháng 3 triệu đồng (khoảng 30%/tháng).

Trường hợp này thường gặp đối tượng cờ bạc như cá độ bóng đá, đánh bài, đá gà ăn tiền... Cách kiếm tiền của những người cho vay “nóng” là thủ tục nhanh gọn, giao tiền liền. Nhưng vay càng nhiều càng “khó sống”. Ngoài trả lãi cao và bị “xử” nếu không trả nợ được, những người trong đường dây cho vay nặng lãi có nhiều thủ đoạn để khiến con nợ phải tán gia bại sản. Nhiều trường hợp đã bị các đối tượng chân rết tìm đến nhà, đánh đập, chửi bới, phải bỏ xứ đi… Thêm một thực tế, là các chủ nợ lúc nào cũng nuôi hơn cả chục đệ tử, sẵn sàng “xả” thân để thu tiền cho chủ nợ. 

    
    Dù   được cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn lao vào những tổ chức tín dụng đen   như thiêu thân mà bất chấp. Đến khi gặp sự cố họ mới hoảng hốt và tan   nát gia đình, tài sản mất hết mới giật mình thì đã muộn.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những hệ lụy từ vay tiền trên các tờ rơi