Theo dõi trên

Xóa bỏ khoa YDCT: “Luẩn quẩn” việc chuyển viện, phục hồi sức khỏe chậm

11/07/2019, 08:53

BT- Nếu xóa bỏ Khoa Y dược cổ truyền (YDCT) tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, bệnh nhân phải tiếp nhận sự điều trị từng đợt riêng lẻ, kéo dài thời gian khám điều trị, rườm rà khâu chuyển viện... Trong khi, đa số người dân đăng ký thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế.

Ông Đặng Minh Thông (Phó Giám đốc BHXH tỉnh): Bệnh viện cùng hạng, phải có giấy chuyển tuyến

Tại khoản 3 Điều 5 của Thông tư 39 (Bộ Y tế) quy định, thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, trong cùng một lần khám bệnh tại một cơ sở y tế (do cùng một ngày hoặc do điều kiện khách quan, yêu cầu chuyên môn nên chưa hoàn thành được quá trình khám bệnh trong ngày đầu tiên, phải tiếp tục khám trong ngày tiếp theo), sau khi khám một chuyên khoa, người bệnh cần được khám thêm các chuyên khoa khác. Mức giá của lần khám thứ 2 trở đi được tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh và mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám. Ví dụ: Bệnh nhân đang khám tại Phòng khám Nội của BVĐK tỉnh nghi ngờ có bệnh đau thần kinh tọa, cần điều trị thêm thuốc đông y. Bác sĩ sẽ chuyển bệnh nhân sang phòng khám đông y. Như vậy, lần khám thứ 2 tại phòng khám đông y, tính mức giá bằng 30% của lần khám đầu tại phòng khám nội. Nếu BVĐK tỉnh không có khoa đông y, thì phải làm giấy chuyển viện cho bệnh nhân đến Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh để lấy số và được tính khám lần 1.

Tại khoản 2 Điều 11 của Thông tư 40 (Bộ Y tế) quy định, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến, người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có Khoa Y học cổ truyền). Chẳng hạn, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh và BVĐK tỉnh đều là hạng 2. Nếu BVĐK tỉnh không có khoa y dược cổ truyền (YDCT) mà bệnh nhân cần kết hợp điều trị đông y, thì BVĐK tỉnh phải làm giấy chuyển viện cho bệnh nhân sang Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng để được hưởng dịch vụ.

Bác sĩ Lê Thị Ý Nhi  - Khoa YDCT (Bệnh viện đa khoa tỉnh): Nếu xóa, hành trình khám bệnh sẽ kéo dài

 “Củng cố và phát triển khoa YDCT tại các bệnh viện, tổ YDCT tại phòng khám đa khoa và trạm y tế” là nội dung được nêu tại điểm 3, khoản 3 Điều 1, Quyết định 2166 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển YDCT Việt Nam đến năm 2020. Khoa YDCT hình thành tại BVĐK là đúng theo văn bản của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tiếp cận sự điều trị kết hợp đông - tây y, giúp bệnh nhân mau phục hồi sức khỏe.

Hơn thế nữa, đa số người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế. Chẳng hạn, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch cần điều trị tây y. Trong thời gian điều trị, bác sĩ muốn kết hợp phương pháp đông y, nhưng không có khoa YDCT. Bệnh nhân phải đợi hết liệu trình điều trị tây y, sau đó làm giấy chuyển viện sang Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, tại đây không có đủ chức năng, trang thiết bị… về bệnh tim mạch, không may bệnh tim mạch tái phát cần điều trị tây y, thì bệnh nhân phải  làm giấy chuyển viện để chuyển ngược lại cho BVĐK tỉnh. Với bệnh nhân điều trị ngoại trú, đặc biệt người mắc bệnh mãn tính và người già, sau khi khám nội hoặc chuyên khoa cần kết hợp thuốc đông y, nhưng không có khoa YDCT, thì bệnh nhân cầm giấy chuyển viện  đến Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh để khám và nhận thuốc; không tránh khỏi chuyện hành trình khám bệnh của bệnh nhân kéo dài 1 ngày. Hay nói cách khác, nếu không có Khoa YDCT tại BVĐK tỉnh, bệnh nhân trong vòng luẩn quẩn liên tục chuyển viện qua lại để điều trị. Chính điều này gây phiền hà thủ tục hành chính, sự di chuyển cho bệnh nhân; đặc biệt hiệu quả phục hồi sức khỏe chậm.

 Ông Nguyễn Trúc Xanh (Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc): Xóa khoa YDCT, cảm thấy hụt hẫng lắm!

Nghe tin Khoa YDCT của BVĐK tỉnh sẽ di chuyển sang Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, tôi và nhiều bệnh nhân khác trong phòng điều trị cảm thấy bị hụt hẫng; nhận thấy sự xóa bỏ này không phù hợp với nhu cầu bệnh nhân. Người về già là khối bệnh tật, trước đây, tôi bị tai biến cấp cứu tại BVĐK tỉnh và được điều trị phối hợp đông - tây y. Sau khi hồi phục trở về nhà, tôi trở bệnh đau nhức khắp người, xin giấy chuyển viện để điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng. Thời gian đang điều trị, tôi lại bị đau răng, nhưng bệnh viện này không có khoa răng hàm mặt và phải chuyển người bệnh đến BVĐK tỉnh. Kể từ đó đến nay, mỗi lần đau ốm, tôi đều đến BVĐK tỉnh được điều trị huyết áp, tim mạch kịp thời rất tốt; kết hợp cả xoa bóp, châm cứu, thủy châm… mà không phải rườm rà khâu chuyển viện.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xóa bỏ khoa YDCT: “Luẩn quẩn” việc chuyển viện, phục hồi sức khỏe chậm