Theo dõi trên

Ấm áp Mỹ Thạnh

13/12/2021, 15:54

Cuối tuần, hành trình đến với Mỹ Thạnh như một cơ duyên. Chị Tô Thị Xuân Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Thuận Nam cho biết: "Mỹ Thạnh là xã nghèo nhưng lại lọt thỏm trong sâu, thiếu thốn nhiều lắm".

Như cơ duyên nào đó, hành trình gom góp này đã được lên kế hoạch. Quà từ những cá nhân lặng thầm, cứ tập kết. 100 suất quà, với 1 tấn gạo, nước mắm, hạt nêm, sữa cho các em nhỏ. Mỹ Thạnh là xã miền núi cách trung tâm huyện vài chục km nhưng lặng lẽ như một xóm nghèo dưới chân núi. Con đường dẫn đến xã có đoạn đang dang dở, có những đoạn đang thi công đường Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cắt ngang bụi phủ mờ. Thi thoảng trên đường vài chiếc xe "rừng" (loại xe chuyên dùng cho người đi rừng, chỉ có sườn xe, động cơ, bánh xe), trơ trọi như những nhánh cây giữa con đường độc đạo đi vào Mỹ Thạnh.

unnamed-8.jpg
Thỉnh thoảng vài chiếc xe  "rừng" trên con đường độc đạo

Vài ba bóng người với những bộ đồ chuyên dụng, với lồng chim, rựa... Họ đi "gác cu" những  ngày tháng 12, tất bật. Qua khỏi cầu Mỹ Thạnh, đến con suối. Con suối ấy cách đây nhiều năm phải lội bộ, xe máy phải dắt nếu không may có thể trượt ngã trôi theo dòng. Ký ức  trong thời điểm Mỹ Thạnh còn nhiều khó khăn nhất. Giờ cây cầu Mỹ Thạnh bắc ngang kiên cố. Phần nào giúp cho xã nghèo bớt trơ trọi trong nhịp sống của đô thị. 

Hai bên là rừng. Những cánh rừng nguyên sinh phủ xanh màu lá. Cứ nghĩ mùa này sẽ khô cằn nhưng hai bên như một bức tranh vẽ mang nhiều sức sống. 

20211212_110234.jpg
Vận chuyển hàng cho bà con Mỹ Thạnh

Chừng km nữa, những nếp nhà bắt đầu ẩn hiện, lưa thưa. Phía xa kia là ngọn núi sừng sững chở che cho cuộc sống của đồng bào người Rai, hiền lành. Gần 300 nóc nhà, với gần 1.000 khẩu. Đời sống của họ gắn với nương rẫy. "Mới đi phát rẫy về thôi, nên có gì cô thông cảm cho tui nha. Cảm ơn món quà, cảm ơn mọi người" - Già làng  Huỳnh Văn Rum vui vẻ nói. 

unnamed-11.jpg
Bé Võ Văn Vương trong vòng tay yêu thương của "người lạ"

Dưới tán cây điều, cậu bé Võ Văn Vương 4 tuổi, đang ngồi bệt dưới nền đất. Mặt lấm lem, thấy người lạ đã thoăn thoắt dùng hai tay làm lực đẩy để đưa cơ thể nhỏ bé, tránh đi ánh mắt của người lạ. "Nó bị liệt từ nhỏ, hai mắt đang mờ dần. Không có điều kiện để đi khám nên cứ để vậy thôi" - Anh Võ Văn Đời, cha Vương cho biết. Ngay cả bản thân anh cũng chậm từng tiếng một, sống bằng nghề nông, khó khăn đủ bề nên việc đưa con  đi điều trị sẽ rất khó. Cậu bé Vương hình như lần đầu nghe tiếng nhiều người lạ, cứ lờ mờ quanh mình nên nét sợ sệt hiện rõ trên từng cái nhíu mày. "Anh có tìm hiểu và đi khám mắt cho bé chưa?" - một thành viên trong đoàn đi cùng hỏi. Cha Vương chỉ cười, chẳng nói được, với anh và gia đình lúc này cái ăn còn chẳng đủ, thì làm sao!?

Toàn xã có 68 hộ thuộc dạng cách ly y tế theo dạng F1, cửa đóng kín mít. Chúng tôi theo hướng dẫn của cán bộ thôn, đặt trước cửa những phần quà. Lần lượt, bước sang nhà kia thì nhà này mới dám hé cửa bước ra nhận. Mừng vì ở nơi xa xôi này, cộng đồng người thiểu số cũng biết giữ mình. Họ cẩn trọng, và cũng lo sợ bởi Covid-19. 

Thấp thoáng ở những nếp nhà, là những cụ ông cụ bà quanh quẩn trước cửa nhà. Những mái nhà tình thương, những tấm bảng sờn cũ. Những gương mặt chai sần nếp nhăn "Có gì ăn đó, ăn  gì cũng được. "- cụ Lê Thị Oai, (thôn 2, Mỹ Thạnh) nói. Cụ Oai sống một mình trong căn chòi bé, chẳng có thứ gì đáng giá.

unnamed-6.jpg
Những ngôi nhà cách ly trong mùa dịch

Cứ từng nếp nhà, dừng lại và trao gởi. Lặng lẽ và ngăn cách bởi những sợi dây vô tình trong mùa dịch khiến con người ta muốn gần nhau hơn cũng khó. Chỉ có 100 suất nhưng mãi đến khi trời chuyển sang cái nắng gay gắt của núi rừng Mỹ Thạnh cũng vừa xong hộ cuối cùng. So với khó khăn  nơi đây, số quà ấy ít ỏi  chưa thấm  gì . "Chắc mình phải trở lại Mỹ Thạnh, thiếu thốn quá, mà lần này không đủ quà, anh em mình áy náy" - thành viên nhóm thiện nguyện - Ngô Xuân Gắng tâm sự. 

unnamed-13.jpg
Những góc bếp của người Rai trong mùa Covid

"Mỹ Thạnh còn khó khăn lắm, xã thì nằm sâu trong núi. Nhưng dân hiền lành, cứ quanh quẩn trong nhà mình. Mùa dịch lại càng khó hơn, hẳn sẽ vui lắm, có thể không thể giúp hết khó khăn, nhưng có thể ấm lòng" - Chị Tô Thị Xuân Thủy chia sẻ.

unnamed-12.jpg

Rời Mỹ Thạnh, bữa cơm cá khô, mắm ruốc giữa rừng nhưng tất cả thành viên lại nói rằng đây là bữa cơm ngon nhất, với một lời hứa trở lại Mỹ Thạnh với bà con người Rai thuần hậu. Hẹn nhé Mỹ Thạnh...

 

QUANG NHÂN

Bài liên quan
Tiếp nhận 100 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sáng ngày 10/12, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tiếp nhận 100 triệu đồng do Công ty Thủy điện Đại Ninh ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấm áp Mỹ Thạnh