Trong đợt kiểm tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023 này, liệu ngành thủy sản Việt Nam có “sát hạch” thành công, hay phải mất 2 - 3 năm nữa mới có cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU?
Bài 1: “Trộm cắp” trên biển, vô tình hay hữu ý?
Bất chấp sự cảnh báo của ngành chức năng, bất chấp tàu thuyền bị tịch thu, nhấn chìm, thậm chí là tù tội khi tàu cá đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài, thế nhưng một số ngư dân vẫn “liều”, mon men sang nước bạn để “trộm” cá. Vậy nguyên nhân sâu xa là gì?
Sự cám dỗ…
Mới được thả về từ nhà tù Malaysia sau 1 năm bị giam cầm, ông T.A.Đ (phường Phước Hội – thị xã La Gi) vẫn còn hãi hùng khi nhớ lại khoảng thời gian buồn ấy. Đó là những ngày đầu tháng 1/2022 (tháng Chạp), không khí tết bắt đầu rộn ràng khi xuất hiện những cơn gió se lạnh cuối năm, chiếc tàu BTh 95204 TS do ông làm thuyền trưởng ra khơi cùng 7 lao động khác xuất bến tại Gành Hào, Bạc Liêu. Đối với những tàu đánh bắt xa bờ, chuyến biển có thể kéo dài hơn 20 ngày, vì thế ông Đ. mong mỏi chuyến biển cuối năm ấy sẽ bội thu, gia đình anh em bạn thuyền có thêm “phần thưởng” sắm tết đủ đầy. Thế rồi, chỉ trong một thoáng thiếu suy nghĩ, ông Đ. đã không cưỡng lại được cám dỗ ở nước bạn cá rất nhiều, vậy là ông rẽ hướng cho tàu sang biên giới Malaysia…
Đúng 12 giờ trưa ngày 7/1/2022, lực lượng chức năng Malaysia trên biển đã phát hiện và bắt giữ ông cùng những lao động biển khác. Chiếc tàu tiền tỷ của ông T.T.M. (chủ tàu) ngay sau đó bị chính quyền nước bạn tiêu hủy không thương tiếc. Giấc mơ được đón một cái tết ấm no bên gia đình bỗng chốc vụt khỏi tầm tay ông Đ. và khiến ông rơi vào những ngày tù tội đầy ám ảnh và hối hận. Trong lời kể của ông Đ. sau 1 năm bị giam cầm nơi đất khách, cứ đứt quãng, giằng xé, ân hận và ông chỉ ước giá như…
“Được trở về bên gia đình, người thân, tôi mới có được giấc ngủ ngon thật sự. Dù bây giờ tôi bị tước bằng thuyền trưởng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, thu nhập chỉ còn 3 – 5 triệu đồng/tháng, bằng ¼ so trước đây, nhưng còn giữ mạng của mình là còn may mắn lắm. Tuy nhiên, sai lầm ấy cứ ám ảnh, cày xới tôi từng ngày. Chưa kể, khi đi biển trở lại, ít nhiều tôi gặp phải những ánh mắt kỳ thị của nhiều người vì mang tội đánh bắt cá trái phép”, ông Đ. ngậm ngùi kể. Đặc biệt, đầu tháng 9 này, hay tin ông M. chủ tàu bị xử phạt hành chính 900 triệu đồng theo Nghị định 42 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, ông Đ. càng thêm áy náy…
Hay bị dụ dỗ?
Cũng rơi vào trường hợp oái ăm như ông Đ., anh Nguyễn Văn Hồng (KP Giang Hải 2 - thị trấn Phan Rí Cửa – huyện Tuy Phong) cũng bị “sập bẫy” vào cảnh tù tội nơi đất khách, khi tin lời hứa hẹn ngon ngọt của một môi giới ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chia phần sau chuyến đánh bắt. Câu chuyện bắt đầu từ giữa năm 2020, lúc ấy dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, tàu thuyền ở địa phương đa số nằm bờ. Vì là trụ cột chính trong gia đình, phải nuôi cha mẹ già và vợ con, anh Hồng – có hơn 20 năm theo nghề biển phải vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin làm bạn thuyền.
Theo lời anh kể, vào 1 đêm tháng 8/2020 khi tàu đã ra khơi, thuyền trưởng nhận được cuộc gọi từ chủ tàu, trao đổi tọa độ đánh bắt. Anh và 12 ngư dân khác trong chuyến đi hôm ấy mơ hồ hiểu ra ý đồ của chủ tàu muốn sang ranh giới Indonesia để khai thác hải sản. “Như dự đoán, mờ sáng hôm sau, đang thả lưới chúng tôi đã bị lực lượng hải quân của Indonesia bắt giữ, lấy hết tư trang và bắt đầu những chuỗi ngày không lối thoát…”. Thuyền trưởng đã được chủ tàu “chuộc” về chỉ sau thời gian ngắn và hứa hẹn sẽ bảo lãnh những bạn thuyền còn lại. Nhưng anh Hồng và những ngư dân khác chờ trong vô vọng và bị chuyển qua 2 trại tạm giam khác nhau với điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn. Ai có tiền nộp phạt thì sớm được về với gia đình, riêng anh Hồng gần 3 năm dài đăng đẵng bị rơi vào tù tội, mà lý do không phải chủ quan do anh.
Thời gian ấy, ba mẹ già ở quê đã có ý định lập bàn thờ vì nghĩ rằng chỉ có bị nạn ngoài khơi xa, con bà mới không thể liên lạc với gia đình. Đến cuối năm 2021, anh Hồng tìm cách liên lạc về nhà, nhờ ba mẹ vay số tiền khoảng 20 triệu đồng để “chuộc” anh về. Bà Nguyễn Thị Chung (mẹ anh) nghe xong chỉ biết khóc, dù đã nhiều lần cầm sổ đỏ lên ngân hàng năn nỉ để vay, nhưng vợ chồng bà Chung mất sức lao động, thuộc diện hộ cận nghèo, không có thu nhập ổn định, ngân hàng đã từ chối. Mỗi ngày, bà Chung chỉ biết khấn nguyện trong lòng anh Hồng sẽ bình an trở về.
Những ngày trung tuần tháng 5/2023, anh Hồng bỗng xuất hiện trước cửa nhà như 1 phép màu, khiến căn nhà hiu quạnh, buồn bã của vợ chồng bà Chung nay trở nên bừng sáng, rộn rã tiếng cười nói, sự thăm hỏi, chia vui của xóm làng. Nhìn anh Hồng khập khiễng khi trở về, bởi hậu quả của tai biến khi bị nhốt dài ngày ở xứ người, bữa đói bữa no, bà Chung xót xa, đủ hiểu con mình đã có khoảng thời gian vô cùng cực khổ và khó khăn.
Đã 4 tháng trôi qua từ khi anh về đoàn tụ với gia đình, nhưng di chứng của tai biến khiến anh đau nhức triền miên, chưa thể đi làm trở lại, càng đẩy gia đình anh vào thế khó. Không chỉ vậy, những bữa cơm thiếu thốn, những ngày lao động chốn lao tù cứ xuất hiện trong những giấc ngủ chập chờn, ám ảnh anh khôn nguôi. Anh Nguyễn Văn Hồng xót xa: “Tôi may mắn thông qua sự kết nối của cộng đồng mạng, sự giúp đỡ của Đại sự quán Việt Nam tại Indonesia, cũng như nhiều mạnh thường quân đã quyên góp, nên tôi cùng 4 ngư dân ở các tỉnh, thành khác mới được về nước. Tôi ít học, nhưng nhận thức rất rõ việc xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt là trái phép. Nếu biết chủ tàu và thuyền trưởng thông đồng sang nước bạn đánh bắt hải sản, tôi không bao giờ đi chuyến biển định mệnh ấy. Chỉ mong chính quyền, ngành chức năng làm quyết liệt xử lý chủ tàu, môi giới, để những ngư dân như chúng tôi không bị tù oan, thậm chí mất cả sức khỏe, gia đình và cả uy tín, tuổi trẻ”.
Dính tới IUU, đa phần bà con ngư dân tan gia bại sản, dù rằng những kẻ chủ mưu đằng sau, những chủ tàu trong việc dụ dỗ, thuê mướn lao động lại khó bị xử lý vì không ra khơi. Do đó, ngành chức năng cần có giải pháp chế tài nhắm vào các nhóm chủ mưu, hưởng lợi sau cùng. Song song đó, cần tuyên truyền sâu rộng để ngư dân thấm thía bài học “dính vào IUU là mất hết tất cả”.
Theo nghiên cứu IUU Fishing Index 2021, Việt Nam có chỉ số đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không kiểm soát là 2,48, cao hơn so với mức bình quân của thế giới là 2,24 và đang đứng thứ 6 trên thế giới về vấn nạn khai thác IUU. Vấn đề này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hoạt động kinh tế của Việt Nam và đời sống của ngư dân.
Bài 2: “Giải mã” nạn đánh bắt cá trái phép
Bài 3: Bình Thuận được gì sau hành trình 6 năm gỡ “thẻ vàng”?