Theo dõi trên

Chuyện “sức đề kháng” quanh trái thanh long

31/12/2021, 10:36

BT- Những buồn, vui từ trái thanh long vào thời điểm cuối một năm nhiều khó khăn vì dịch bệnh này đã nói lên nhiều vấn đề quanh thị trường tiêu thụ. Phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm thì mới mong bồi dưỡng được “sức đề kháng” cho trái thanh long, loại trái cây quyết định thu nhập lẫn mức sống của người dân Bình Thuận.

1. Sáng ngày 30/12, 1 ngày sau khi Trung Quốc có thông báo về việc tạm thời tạm dừng đưa hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản ra xuất khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh, chủ 1 công ty xuất khẩu thanh long ở Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc đã điều 3 xe container cuối cùng tại cửa khẩu Móng Cái sang cảng ở Hải Phòng để chuyển hàng đi đường biển qua Trung Quốc. Đây là chuyến quay xe cuối cùng trong nhiều chuyến quay đầu trong 100 xe container về các cảng ở Đà Nẵng, Hải Phòng trong hơn 10 ngày qua của công ty. Thời điểm quyết định quay đầu chứ không tiếp tục chờ ở cửa khẩu nữa là vì có những container chở thanh long đã trải qua 25 ngày, trong khi bên kia chưa có thông tin gì chắc chắn sẽ mở cửa khẩu. Đó là quyết định mà nếu trong tình huống vài ngày sau cửa khẩu sẽ mở cửa được xem là không khôn ngoan, vì nếu làm một phép tính sẽ thấy chi phí để hàng đến tay đối tác qua đường biển đã đội lên gấp nhiều lần.

thanh-long-1.jpg
Thu mua, sơ chế và xuất khẩu thanh long ở Hàm Thuận Nam (ảnh tư liệu). Ảnh: N.Lân

Khổ là ngay lúc đầu, công ty đã hạn chế đi đường biển, vì chi phí đi đường biển cho 1 container hàng đã tăng từ 40 - 50 triệu đồng lên 130 triệu đồng, vì ảnh hưởng dịch bệnh. Đi đường bộ rẻ hơn nhưng 1 xe container ra đến cửa khẩu giao hàng cũng mất gần 100 triệu đồng. Cuối cùng trong thế kẹt trên, có lúc doanh nghiệp tính đến con đường đưa hàng qua bên Campuchia, từ đây vào Trung Quốc, vì cửa khẩu 2 nước này vẫn mở. Tuy nhiên, sau khi lựa chọn, công ty đã tính đến đường đi chắc chắn nhất là quay đầu xe, đưa hàng đi đường biển, bất chấp bao chi phí phát sinh khác như tiền dầu xe chạy từ cửa khẩu về cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, công bốc dỡ… với tổng chi phí cho 1 xe container đến đối tác bên kia lên đến 250 triệu đồng. Riêng một số xe container khác trong số 100 xe của công ty quay về lại Bình Thuận để tiếp tục hành trình vào cảng phía Nam thì chi phí còn tăng hơn.

Tuy nhiên, theo chủ công ty phân tích, 1 xe container có 20 tấn thanh long ruột đỏ, với giá hàng phục vụ tết nên có giá trị khoảng 600 triệu đồng. Hiện công ty cũng đang lo không biết hàng đi đường biển thường mất 15 ngày, một số container thanh long đã chờ 20 ngày ở cửa khẩu, không biết đến nơi chất lượng sẽ thế nào. Nếu hàng đến tay đối tác không bị hư hỏng, bảo toàn được giá trị như đã tính thì chi phí trên chỉ là tăng hơn ban đầu, doanh nghiệp có lỗ nhưng không mất trắng. Vẫn biết việc sản xuất kinh doanh có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn nhưng vụ này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận bị lỗ quá nặng, có người đứng trước nguy cơ phá sản.

2. Thật sự, những ngày qua, không ít doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long ở Bình Thuận mà có hàng chờ ở các cửa khẩu phía Bắc rơi vào cảnh tiến không được mà lùi cũng không xong. Chỉ phải lùi khỏi cửa khẩu, khi cảm nhận hàng hóa trên xe đã báo hiệu hư hỏng và chủ doanh nghiệp, cơ sở đành phó thác cho tài xế tháo hàng ra bán trên dọc đường quay về. Mỗi xe có khoảng 20 tấn thanh long nhưng số tiền thu về khoảng 20 - 30 triệu đồng, tính ra mỗi tấn thanh long chỉ đáng giá 1 triệu đồng. Trong khi đó, còn nhiều xe container chở thanh long khác chưa biết giải quyết thế nào cho ổn, vì nếu có di chuyển sang cửa khẩu khác thì cũng chỉ thấy rất rõ là tăng chi phí đột biến mà kết quả có chuyển thanh long đến được khách hàng hay không thì không có câu trả lời. Nhất là với cách nói giảm, nói tránh trong các công văn từ cửa khẩu bên kia lý giải vì sao không thể thông quan hoặc thông quan hạn chế thì chỉ những người trong cuộc cảm nhận rất rõ.

thanh-long.jpg

Thanh long được chuyển lên xe container để xuất khẩu (ảnh tư liệu). Ảnh: N. Lân

Như thông báo mới nhất về tạm thời tạm dừng đưa hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu ở tỉnh Quảng Ninh thì sự tạm thời đó, theo thông tin của các doanh nghiệp được biết, sẽ kéo qua đến giữa tháng 3 sang năm, tức băng qua Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Lý do, phải cách ly những cán bộ ở cửa khẩu… bảo đảm theo chính sách “Zero Covid”. Vì vậy, nếu các xe container có di chuyển sang cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn… thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Sao những doanh nghiệp, cơ sở này không chọn lối thoát như công ty ở Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc đã làm?

“Phải có quen biết. Vì bình thường, công ty chuyển hàng đi đường biển lẫn đường bộ nên có quen biết các đơn vị cảng biển. Khi gặp cảnh khó, đơn vị cầu cứu nên được giúp đỡ kịp thời”- câu trả lời của công ty này cho thấy rất rõ yếu tố phải đa dạng việc vận chuyển hàng hóa. Đó cũng là một cách thể hiện khía cạnh phải “chia trứng nhiều giỏ”, để tránh rủi ro trong những lúc khó khăn bất chợt ập đến. Mà với sản phẩm nông nghiệp như trái thanh long, với những yếu tố trong tiêu thụ đường tiểu ngạch đã thành tồn tại, bất cập nhiều năm nay thì chuyện “chia trứng nhiều giỏ” trở nên cấp thiết.

Điều đáng chú ý, cũng trong thời gian thanh long bị sự cố xuất khẩu tiểu ngạch thì Bình Thuận đã đón nhận Nhật Bản trao văn bằng chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản, sau 3 năm đăng ký chỉ dẫn bảo hộ. Từ đây, thanh long sạch Bình Thuận sẽ có điều kiện tốt để vào thị trường Nhật và các thị trường khó tính khác như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand. Một tín hiệu của đa dạng hóa thị trường cho trái thanh long. Đồng thời đó, cũng thời gian này xuất hiện nhiều sản phẩm được chế biến từ trái thanh long đã có mặt trên thị trường, sau thời gian dài vận động, hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước lẫn bức xúc phát triển của dân Bình Thuận. Nào là rượu thanh long, mứt thanh long, kem thanh long… đã và đang được người tiêu dùng chú ý. Dù mới là bước khởi đầu, nhưng tất cả các sản phẩm trên đang là đại diện cho đa dạng hóa sản phẩm.

Những buồn, vui từ trái thanh long vào thời điểm cuối một năm nhiều khó khăn vì dịch bệnh này đã nói lên nhiều vấn đề quanh thị trường tiêu thụ. Qua đó, cho thấy phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm thì mới mong bồi dưỡng được “sức đề kháng” cho trái thanh long, loại trái cây quyết định thu nhập lẫn mức sống của người dân Bình Thuận.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công bố cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản
BTO- Lễ công bố cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản đã được UBND tỉnh tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến các huyện trong sáng nay (29/12).
Nổi bật
Khẳng định vai trò đoàn kết toàn dân tộc
Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Liên - Việt toàn quốc họp tại Hà Nội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và thông qua cương lĩnh tuyên ngôn, điều lệ mới nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện “sức đề kháng” quanh trái thanh long