“Sức mạnh mềm” từ nền tảng gia đình
Phân tích hệ giá trị gia đình từ khía cạnh truyền thống và hiện đại, tại hội thảo khoa học cấp tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức trong tháng 6, nhiều đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh đều đồng quan điểm, khẳng định gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tồn tại được là nhờ tình yêu, hòa quyện với tình thương và tinh thần trách nhiệm với nhau. Mỗi gia đình thực sự hạnh phúc khi các thành viên gắn bó, chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Gia đình cũng là nhóm xã hội đặc thù với đầy đủ những yếu tố tâm sinh lý, văn hóa và cả kinh tế, vì thế gia đình luôn biến đổi cùng với xã hội.
Dân gian ta có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, “Giỏ nhà ai quai nhà ấy”... gia đình chính là nền tảng, là bệ đỡ, là cơ sở để con người có thể vững vàng bước ra cuộc sống. Trong gia đình, bố, mẹ, sống chuẩn mực, giỏi giang, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo… phần lớn sẽ nuôi dạy được những đứa con kế thừa truyền thống gia đình và có những đức tính chuẩn mực tốt đẹp ấy. Ngược lại sẽ nuôi dạy, đào tạo nên những đứa con là công dân ích kỷ, có lối sống lệch lạc, gánh nặng của xã hội.
Dẫn chứng điều này, theo thông tin từ Công an tỉnh, nếu trước đây, người chưa thành niên chủ yếu phạm các tội danh như trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, thì hiện nay hành vi phạm tội đang có chiều hướng đa dạng với các tội danh cướp tài sản, giết người, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy... Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tập trung đông người, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản cũng xuất hiện nhiều đối tượng là người dưới 18 tuổi. Có những trường hợp phạm tội không đơn thuần xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà có sự cấu kết, tính toán, lên kế hoạch bài bản, mục đích, mưu đồ phạm tội rõ ràng, hành vi tàn độc…
Qua nghiên cứu, đánh giá, phân tích các trường hợp người chưa thành niên vi phạm pháp luật đều có đặc điểm chung là gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, bị bạo hành, bỏ học sớm... Đây có thể nói là hệ lụy của sự suy giảm mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình, buông lỏng quản lý con em, thiếu sự quan tâm, dạy dỗ dẫn đến sa sút về đạo đức, nhận thức lệch lạc. Điều này gây ảnh hưởng không chỉ trực tiếp tương lai mỗi cá nhân, sự ổn định của các gia đình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người chung quanh, gây bất an trong xã hội và tác động tiêu cực đến cộng đồng. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, cộng với việc không có sự kiểm soát, giáo dục của người lớn làm hình thành suy nghĩ, hành động lệch lạc trong giới trẻ, không phù hợp chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục dẫn đến vi phạm pháp luật.
Chính vì vậy, bồi dưỡng nhân cách cho trẻ em từ tấm bé sẽ góp phần hình thành, xây dựng hệ giá trị con người, định vị hệ giá trị quốc gia, “sức mạnh mềm” để phát triển bền vững xã hội.
Xây dựng chuẩn mực gia đình văn hóa ở Bình Thuận
Bình Thuận là vùng đất mới trong quá trình ông cha ta mở rộng bờ cõi về phía Nam của Tổ quốc, đến nay đã hơn ba thế kỷ, tính từ khi địa danh phủ Bình Thuận xuất hiện vào năm 1697. Dân số của tỉnh gần 1,3 triệu người và có nhiều thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 8%, ngoài ra dân di cư tự do của các tỉnh, thành khác đến Bình Thuận ngày càng tăng mang theo nhiều phong tục, tập quán, văn hóa đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Cho nên các gia đình ở tỉnh Bình Thuận mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của 3 vùng miền Bắc - Trung - Nam.
Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện công tác gia đình phù hợp, hiệu quả. Trong đó khởi động xây dựng gia đình văn hóa từ năm 1996 cho đến nay và luôn gắn chặt với nội dung xây dựng thôn - khu phố văn hóa, đô thị văn minh. Việc đăng ký và bình chọn gia đình văn hóa được thực hiện từ cơ sở, có sự giám sát chặt chẽ của Ban điều hành khu phố, sự phối hợp đồng bộ của Ban công tác Mặt trận khu phố, lấy hiệu quả thực chất làm trọng. Kết quả cuối năm 2023, toàn tỉnh có 304.047/320.782 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm 94,78% tổng số hộ), có 678/691 thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa (chiếm 98,1% tổng số thôn, khu phố).
Ngoài ra, các hội thi gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh được duy trì tổ chức là dịp ghi nhận và kịp thời tôn vinh những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa “Gia đình văn hóa” tỉnh nhà. Khoảng giữa 2 lần tôn vinh ở cấp tỉnh và Trung ương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh miền Đông Nam bộ còn tổ chức Liên hoan Gia đình văn hóa tiêu biểu cấp khu vực. Những hoạt động thiết thực này đã tạo động lực mạnh mẽ duy trì chất lượng xây dựng gia đình văn hóa.
Bên cạnh đó, việc giáo dục cũng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn phối hợp triển khai trong phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, gắn với xây dựng “Gia đình văn hóa” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng, từng địa phương, từng tôn giáo...
Văn hóa gia đình, cộng đồng là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Dù trước tác động mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường, nhưng ông Đào Xuân Nay – Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh tin tưởng: Gia đình và người Bình Thuận từ miền núi, vùng biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến đồng bằng vẫn gìn giữ được thuần phong tốt đẹp, truyền thống cách mạng của quê hương, tính cần cù, lao động sáng tạo, tôn trọng nghĩa tình, lấy đức làm trọng, tiếp thu có chọn lọc những bản sắc, tinh hoa văn hóa từ bên ngoài. Chính sức mạnh truyền thống văn hóa gia đình ấy sẽ được lưu truyền từ đời này sang đời khác.