Theo dõi trên

Mở rộng xuất khẩu lao động sang các thị trường có thu nhập cao

12/12/2024, 05:33

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là từ khi có Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, số lượng doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và lực lượng lao động Việt Nam hằng năm đi làm việc ở nước ngoài đều tăng trưởng ổn định.

Xuất khẩu lao động tăng hàng năm

Theo đó, thị trường lao động không ngừng được mở rộng, nhất là các thị trường có mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt. Tính đến nay, đã có hơn 40 thị trường tiếp nhận người lao động Việt Nam; những thị trường mới đều là những quốc gia có thu nhập cao, có điều kiện làm việc tốt, như Đức, Ba Lan, Séc... Còn những thị trường truyền thống, như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản..., số lượng người lao động đi làm việc tại đây đều gia tăng hằng năm, trong đó thị trường xuất khẩu lao động ở Nhật Bản hiện đang phát triển mạnh mẽ. Nhật Bản đã mở cửa cho lao động nước ngoài từ năm 2019, kể từ đó, đã có một sự gia tăng đáng kể trong số lượng người lao động nhập cư. Nhật Bản cũng đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài làm việc tại đây. Tuy nhiên, thị trường này vẫn đối mặt với nhiều thách thức như thiếu nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp và dịch vụ và cần phải cải thiện các chính sách hỗ trợ lao động nước ngoài.

tin11.hddv2022.ldnn.jpg
Đi xuất khẩu lao động (ảnh minh họa).

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có hơn 500 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2010 đến nay đã đưa trên 1,4 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Bình quân mỗi năm có khoảng 120.000 - 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt 3,5 - 4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Số lượng người lao động xuất khẩu từ Bình Thuận đã tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt là vào các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc gia đình).

Tại Bình Thuận, gần 10 năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện đưa gần 1.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu tại các thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, CHLB Đức… Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh có hơn 990 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó riêng năm 2023 là 451 người, tăng 71% so với năm 2022. Chủ yếu là lao động sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ với các ngành nghề như điều dưỡng, sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp…; trong đó Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất với 308 người.

z4312843417029_4c4cc0d67b1ee1f6e75aff81b6bb8eae.jpeg
Thu nhập bình quân của người lao động từ 20 - 35 triệu đồng/tháng (ảnh tư liệu).

Chủ trương đúng đắn

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tùy theo từng thị trường lao động, thu nhập bình quân của người lao động từ 20 - 35 triệu đồng/tháng; trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 500 - 700 triệu đồng. Tính chung, người lao động đi làm việc ở nước ngoài thu nhập bình quân cao hơn từ 5 - 8 lần so với thu nhập trong nước. Từ đó, người lao động đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, có tiền gửi về gia đình sửa chữa, xây dựng nhà ở khang trang, phát triển kinh tế gia đình. Người lao động không chỉ thoát nghèo, mà còn có khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thân đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt tại những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài, diện mạo quê hương có nhiều thay đổi với nhà cửa khang trang, hiện đại, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm.

Có được kết quả trên là do Nhà nước đã ban hành những chủ trương, cơ chế, chính sách kịp thời, giúp người lao động tiếp cận nguồn vốn để chi trả chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với việc chú trọng phát triển, mở rộng thị trường lao động ở các nước, các bộ, ngành liên quan luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nước sở tại, các hội đoàn người Việt Nam để thường xuyên nắm số lượng, tình hình người lao động nhằm hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong nước phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển chọn, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ pháp lý cho người lao động xử lý các vụ, việc phát sinh và giải quyết các vấn đề cho người lao động khi về nước theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Người lao động đã góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Nhiều người khi về nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.

M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
La Gi: Nâng cao vai trò, tầm quan trọng của xuất khẩu lao động
Theo Ban Thường vụ Thị ủy La Gi, những năm qua, thị xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, có tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi hết hạn hợp đồng không về nước, chậm được khắc phục...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở rộng xuất khẩu lao động sang các thị trường có thu nhập cao