Theo dõi trên

Ngư dân Bình Thuận với Lễ hội Cầu ngư

01/09/2023, 05:35

Cầu ngư là loại hình lễ hội hình thành sớm của ngư dân ven biển Bình Thuận, hằng năm, lễ hội diễn ra ở nhiều nơi, như: huyện Phú Quý, Tuy Phong, thị xã La Gi, TP. Phan Thiết.

Với quy mô, thời gian khác nhau cùng nhiều hình thức, nghi thức tâm linh và nghệ thuật diễn xướng dân gian hàm chứa nhiều giá trị quý báu. Cầu ngư có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần, đem lại niềm tin để ngư dân vượt qua bao sóng gió, bám biển vươn khơi hăng say lao động sản xuất. Lễ hội cầu ngư của ngư dân Bình Thuận được duy trì, bảo tồn và phát triển từ xưa đến nay, là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa miền biển.

cau-ngu.jpg
Lễ rước Lệnh Ông Sanh từ Hòn Lao vào cửa Cồn Chà. Ảnh: Đình Hòa

Bắt nguồn từ những làng biển

Có thể nói chính nguồn gốc dân cư, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và môi trường sống là những yếu tố quyết định để hình thành nên sắc thái văn hóa cả vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư tại mỗi địa phương. Nơi nào có làng ngư thì ở nơi đó có lăng vạn thờ cá voi (cá ông) và những hoạt động văn hóa tinh thần liên quan đến nghề nghiệp của ngư dân dược duy trì và truyền lưu.

Qua khảo sát của Bảo tàng Bình Thuận thực hiện cho thấy từ Phú Quý đến Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, La Gi là những địa phương ven biển nơi nào cũng có lăng vạn thờ cá voi. Tùy thuộc vào số lượng của các làng ngư và số dân ở những làng đó mà có lăng vạn nhiều hay ít. Nhưng ở tất cả các làng ngư thì nơi nào cũng có thiết chế tín ngưỡng là lăng, vạn và từ đây luôn đi kèm về mặt tinh thần là Lễ hội Cầu ngư, gắn với cầu ngư là chèo bả trạo.

Theo thống kê đến năm 2014 toàn tỉnh có 42 vạn thờ và hàng chục nghĩa địa mai táng cá voi. Theo thời gian và sự biến đổi dân số, thay đổi làng mạc một số nơi không còn duy trì loại hình diễn xướng dân gian chèo bả trạo mà chỉ còn lễ cầu ngư theo lệ xưa của từng làng. Ở Tuy Phong có 12 vạn thờ nhưng hiện chỉ còn các vạn ở các xã Bình Thạnh, Chí Công, Phước Thể, Vĩnh Hảo, Hòa Phú, Phan Rí Cửa và Liên Hương còn lưu giữ loại hình diễn xướng chèo bả trạo. Tuy nhiên cũng tùy theo điều kiện lịch sử, văn hóa của từng nơi để có từ 1 - 3 lễ hội hằng năm tại các vạn, trong đó chỉ có vạn Tả Tân diễn ra 3 lễ hội: lễ cầu ngư đầu mùa (vào tháng 3 hoặc tháng 4 âm lịch), lễ cầu ngư chính mùa (diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 7 âm lịch) và lễ cầu ngư cuối mùa (vào tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch) còn lại các vạn khác chỉ tổ chức một lễ hội cầu ngư chính mùa.

cau-ngu-2.jpg
Lễ hội Cầu ngư là một nét văn hóa tín ngưỡng dân gian. Ảnh: Đ.Hòa

Ở Phan Thiết Lễ hội Cầu ngư diễn ra tại 12 vạn: Vạn Thủy Tú, vạn Hiệp Hưng, vạn Khánh Long, vạn Nam Nghĩa… Mỗi vạn tùy theo tục lệ và điều kiện kinh tế địa phương mà lễ vật có khi nhiều khi ít, nhưng về căn bản cả về nội dung và quy trình đều được thể hiện theo tập tục của ông cha từ xưa để lại.

Ấn tượng hơn cả là ở huyện đảo Phú Quý, trên diện tích hẹp mà có đến 10 ngôi vạn thờ cá voi. Đa phần các vạn có niên đại từ thế kỷ 18, 19 và còn duy trì Lễ hội Cầu ngư cùng linh hồn của nó là chèo bả trạo. Đây là con số rất lớn so với các làng chài ven biển trong đất liền ở Bình Thuận nói riêng và các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam bộ nói chung. Hơn 16 km2 mà có đến 10 ngôi vạn quả là một mật độ quá dày đặc. Điều đó cho ta thấy tín ngưỡng tôn thờ cá ông được người dân Phú Quý chú trọng và đề cao tín ngưỡng trong nghề nghiệp và cuộc sống. Bởi vì, đối với một cộng đồng dân cư sống giữa một môi trường biệt lập, bốn bề là đại dương bao la, quanh năm phải đối mặt với phong ba bão táp. Nên việc tôn sùng, thờ phụng cá ông trở thành nhu cầu chính đáng và số lượng lăng vạn trên đảo nhiều như thế cũng là điều dễ hiểu.

Chèo bả trạo - linh hồn của Lễ hội Cầu ngư

Cầu ngư nói chung là một hoạt động sinh hoạt văn hóa là sợi dây cố kết tinh thần cộng đồng những người làm nghề với nhau. Đó là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ về công việc và kinh nghiệm nghề nghiệp. Sinh hoạt văn hóa tâm linh được thể hiện rõ nét nhất vào những dịp diễn ra lễ cầu ngư. Đây là dịp để ngư dân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các vị thần biển, đồng thời cũng là nơi giúp cố kết tinh thần cộng đồng.

cau-ngu-1.jpg

Về mặt nghệ thuật diễn xướng dân gian thì cầu ngư là loại hình nghệ thuật đặc sắc còn duy trì đến ngày nay của cư dân ven biển, là sản phẩm trong đời sống văn hóa tinh thần của ngư dân từ lâu đời. Một trong những thành phần chính yếu trong Lễ hội Cầu ngư, ngoài chức năng nghệ thuật, chèo bả trạo còn là một nghi thức tín ngưỡng quan trọng trong các nghi lễ liên quan đến tập tục thờ cúng cá ông. Về nội dung diễn xướng tuy mang đậm màu sắc đượm buồn, có phần bi ai kể về những chuyến đi biển gặp nhiều trở ngại khi sóng to, gió lớn. Thông qua đó ngư dân thể hiện những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng trước cảnh biển và sự trù phú của biển cả, trước tấm lòng cứu nhân độ thế của cá ông. Qua những câu hò, điệu hát trong diễn xướng có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc sống để tiếp tục bám biển quê hương với những chuyến biển bội thu.

Trong đề tài nghiên cứu khoa học: “Sưu tầm, nghiên cứu chèo bả trạo trong văn hóa dân gian của ngư dân vùng biển Bình Thuận” do Bảo tàng Bình Thuận thực hiện. Khi khảo sát nghiên cứu thực trạng tại 6 huyện, thị xã và thành phố ven biển trên toàn tỉnh Bình Thuận, hiện còn 9 đội chèo bả trạo đang hoạt động, với hơn 30 bổn chèo dùng để diễn xướng trong các lễ hội, lễ nghi lên quan đến tập tục tôn thờ cá ông như: lễ an táng, lễ thượng ngọc cốt, lễ nghinh Ông Nam Hải, chánh lễ tế thần trong Lễ hội Cầu ngư… đó là những bổn chèo được coi là nguyên gốc. Trong đó có những bổn chèo bả trạo được mang từ cố hương ở các tỉnh vùng “Ngũ Quảng” vào Bình Thuận, hoặc được sáng tác mới nhằm phục vụ cho tập tục thờ cúng cá ông của cộng đồng ngư dân, phù hợp với môi trường địa lý và điều kiện xã hội tại từng địa phương.

Chèo bả trạo giữ một vị trí quan trọng, là loại hình nghệ thuật diễn xướng gắn với sinh hoạt tâm linh và văn hóa dân gian được truyền lưu qua nhiều thế hệ. Nói chèo bả trạo là linh hồn của Lễ hội Cầu ngư, bởi vì trong một lễ cầu ngư mà không có chèo bả trạo thì lễ cầu ngư đó thiếu đi yếu tố tâm linh làm nên giá trị của các lễ nghi. Bởi nó hàm chứa tất cả những niềm khát khao, mộc mạc, chân thành của những con người làm nghề biển nói chung và với cá ông nói riêng. Mặt khác, nó luôn mang màu sắc riêng biệt của nghề truyền thống nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện ở các phong tục tập quán, lệ làng, nghi lễ, hương ước của cộng đồng mang lại. Nếu mất đi tín ngưỡng này và những lăng vạn thờ cúng cá ông sẽ mất đi phần nào bản sắc văn hóa truyền thống.

Lễ hội Cầu ngư diễn ra tại TP. Phan Thiết kết hợp những hoạt động văn hóa khác trong Năm Du lịch quốc gia 2023 – Bình Thuận - Hội tụ xanh để vừa phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, sự hưởng thụ văn hóa của một bộ phận nhân dân, vừa phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong chèo bả trạo và góp phần giới thiệu, quảng bá cho phát triển du lịch.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ấn tượng của du khách trước vẻ đẹp độc đáo của Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy
Du khách đến Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận ở rừng Sa Loun (Sa Lôn), xã vùng cao Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc rất ấn tượng trước vẻ đẹp độc đáo và mang tính giáo dục cao về bảo vệ thiên nhiên.
Nổi bật
Phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024
Chiều 18/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh diễn ra phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Tham dự có bà Bố Thị Xuân Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh dự; ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và 250 đại biểu chính thức.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân Bình Thuận với Lễ hội Cầu ngư