Theo dõi trên

Sơn nữ “vàng” của đồng bào Raglay

11/01/2023, 09:22

Khép lại Giải điền kinh U18 châu Á 2022, tại Kuwait - một quốc gia Tây Á, Việt Nam lần đầu đoạt 2 huy chương vàng. Đóng góp vào thành công này là một sơn nữ của đồng bào dân tộc Raglay ở Bình Thuận tên Hoàng Thị Ánh Thục.

Mầm xanh

Mấy ngày này, ngôi nhà nhỏ của bà Hoàng Thị Xí tại thôn Tân Điền, xã Phan Điền (Bắc Bình) rộn ràng hơn khi cô con gái Hoàng Thị Ánh Thục vừa từ TP. Hồ Chí Minh về ăn tết. Năm 2022 là một năm đáng nhớ của gia đình, khi đứa con gái đen nhẻm, mê tốc độ ngày nào mới được vào Đội tuyển trẻ Điền kinh Quốc gia đã mang vinh quang về cho Tổ quốc.

thanh-nien.vn.jpg
ve-dich.jpg
Nỗ lực trên đường chạy

Cao 1,61m, nước da nâu khỏe mạnh, vận động viên (VĐV) điền kinh nội dung 400m nữ Hoàng Thị Ánh Thục gây ấn tượng mạnh cho người đối diện bởi vẻ ngoài khá đặc biệt. Một cô gái rắn rỏi và ít nói.

Sinh ra trong gia đình nghèo. Những đứa trẻ như Thục ở Phan Điền ngoài giờ học còn phải theo gia đình lên nương rẫy hay vào rừng kiếm nông sản. Như những cây hoa rừng, nắng gió càng khắc nghiệt thì càng kiêu hãnh vươn lên, dồn nhựa sống để nụ hoa khoe sắc, cô bé Thục đến với thể thao cũng dẻo dai, tỏa sáng như thế. Em yêu thích các môn tốc độ như nhảy xa, chạy bộ. Hồi còn ở Trường Dân tộc nội trú huyện Bắc Bình, Ánh Thục là gương mặt quen trên bục huy chương các giải hội thao, hội khỏe phù đổng. Nhận thấy tố chất của cô học trò người dân tộc Raglay, đầu năm 2020, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh đã chọn em vào đội tuyển năng khiếu.

nhan-huy-chuong.jpg
Hoàng Thị Ánh Thục trên bục nhận huy chương

Đường đến vinh quang

“Thường thì 5 giờ sáng dậy vận động xong mới ăn sáng rồi lên lớp. Nhưng khi vào đội tuyển, lịch sinh hoạt thay đổi, giáo án thầy đưa ra theo từng tuần, từng tháng khiến em bỡ ngỡ. Những buổi rèn thể lực cổ chân mỏi nhừ, tập xong mệt lả chẳng muốn ăn gì. Cộng thêm môi trường mới chưa thể hòa nhập và nhớ gia đình. Em đã từng xếp tư trang xin thầy cho về. Nhưng thầy Nguyễn Hoàng Phong – người trực tiếp huấn luyện đã luôn động viên: “Cơn đau này sẽ qua mau thôi, ai mới tập cũng đều thế cả”. Rồi thầy chăm chút, dặn dò từng giờ sinh hoạt, lối sống, ứng xử không khác con mình. Ngay cả bây giờ, vào tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh), thầy vẫn luôn gọi điện, nhắn nhủ: “Đừng để tụt lại phía sau. Người mà đi phía sau thì mãi mãi chẳng bao giờ về đích được”. Đó là những lời “tiếp sức” kịp thời để em đi qua từng rào cản, tiếp tục được sống trong môi trường thể thao chuyên nghiệp và tiến về phía trước” – Ánh Thục bộc bạch.

“Tinh thần “Chiến thắng khó khăn, nghịch cảnh, chiến thắng chính mình” của Hoàng Thị Ánh Thục có giá trị truyền cảm hứng, lan tỏa những điều tốt đẹp thúc đẩy thế hệ trẻ không ngừng cố gắng, khổ luyện chinh phục những đỉnh cao”, ông Mai Duy Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Phan Điền nói.

Không phụ sự mong mỏi của ban huấn luyện, nữ VĐV trẻ sinh năm 2005 là người thi đấu tốt ở các cự ly 200m, 400m, 800m. Tại Giải Cúp tốc độ 2021 ở TP. Hồ Chí Minh, Ánh Thục giành huy chương vàng ở nội dung 400m nữ. Kết quả này giúp cô gái được chọn vào đội tuyển trẻ quốc gia.

thuc.jpg
Ánh Thục (thứ 2 từ trái qua) cùng HLV và đồng đội tại Giải điền kinh U18 Châu Á
anh-thuc.1.jpg
Khoảng khắc Ánh Thục chụp hình cùng thanh niên và bạn bè ở Phan Điền

Trong môi trường mới khá xa lạ với một cô gái vốn chỉ quen với núi rừng, yêu thích tự do, Ánh Thục càng phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần những VĐV khác. Ở Giải Vô địch trẻ châu Á 2022. Hoàng Thị Ánh Thục bước vào tranh tài nội dung sở trường 400m nữ và gương mặt của điền kinh trẻ Việt Nam đã về nhất với kết quả 55”03. Ở đường chạy này, em vượt qua 6 đối thủ đến từ Ấn Độ, Thái Lan và Iraq. Đáng nói thông số này chưa phải thành tích tốt nhất của chân chạy Bình Thuận, khi em từng đạt 54”64 tại Giải Trẻ quốc gia.

Nhớ lại cảm xúc lúc đăng quang, Ánh Thục xúc động: “Lần đầu tiên tham gia một giải đấu quốc tế và có giải cao mang về, không chỉ vui bởi vinh quang, mà còn giúp bản thân giải tỏa căng thẳng, áp lực vượt qua chính mình. Được cọ xát với những VĐV đẳng cấp giúp em nâng cao kinh nghiệm lẫn chiến thuật để chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng sau này”.

Khi được hỏi về thần tượng của mình, Ánh Thục cười hiền: Em không muốn mình là bản sao của một ai. Vì thế mỗi ngày em chỉ biết không ngừng nỗ lực, cố gắng hơn hôm qua một ít, để đạt được mục tiêu trước mắt là có mặt vào đội tuyển tham dự SEA Games 32 năm 2023 tại Campuchia. Tiếp nữa sẽ chinh phục những đỉnh cao ở đấu trường khu vực và quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc, cho đồng bào dân tộc Raglay.

“Ánh Thục là cô gái cá tính, có kỹ thuật về sức mạnh, sức bền, biết vận dụng tốt các bài học vào thi đấu. Với sức trẻ và bản lĩnh ấy, tin tưởng em sẽ tiếp tục giữ vững phong độ để vững bước tiến xa hơn trong năm Quý Mão 2023 và sự nghiệp thể thao” .

Huấn luyện viên Nguyễn Hoàng Phong (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh).

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bứt phá trong thể dục thể thao
Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX năm 2022 có lẽ là kỳ đại hội đáng nhớ của huyện Hàm Thuận Nam, khi vượt 4 bậc so kỳ đại hội trước, vươn lên vị trí thứ 3 toàn đoàn, sau TP. Phan Thiết và huyện Tánh Linh.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơn nữ “vàng” của đồng bào Raglay