Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầy đủ các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát tốt bệnh Dại. Thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại. Đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên các phương tiện truyền thông của tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng.
Tăng cường giám sát, phát hiện các ca bệnh Dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư;phối hợp chặt chẽ giữa ngành thú y và y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Phối hợp với các địa phương rà soát và tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư. Kịp thời chia sẻ thông tin với các đơn vị chuyên môn y tế ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động về phòng, chống bệnh Dại ở người; tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế dự phòng để nâng cao kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh Dại…
Trước đó, nội dung Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong 5 năm qua, bệnh Dại ở nước ta đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh Dại. Nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người rất cao.