Theo dõi trên

Trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng

17/06/2020, 09:40

BT- Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng tại Bình Thuận đạt được những kết quả tích cực. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những mặt chưa được trong công tác này, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số nơi chưa được phát huy.

                
      
         Đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, nhiều vụ    việc do không được kiểm tra, giám sát kịp thời dẫn đến tham nhũng,    tiêu cực.

 Nhiều vụ tham nhũng bị phát hiện, xử lý

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 25 văn bản, UBND tỉnh ban hành 21 văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý các vụ việc tham nhũng. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tham nhũng được tăng cường, với nhiều hình thức phù hợp. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, tại tỉnh đã thành lập 8 đoàn kiểm tra giám sát do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, đã tiến hành kiểm tra, giám sát 24 tổ chức Đảng và 14 đảng viên là Bí thư Cấp ủy, người đứng đầu địa phương, đơn vị. Ngoài ra, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cũng đã tiến hành 84 cuộc kiểm tra giám sát công tác phòng chống tham nhũng đối với 213 tổ chức Đảng cơ sở và 141 cá nhân. Cơ quan Thanh tra tỉnh đã triển khai 17 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng tại một số sở, ngành, địa phương… 5 năm qua (từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2020), toàn tỉnh đã phát hiện 34 vụ/65 người có hành vi tham nhũng. Trong đó, có 26 vụ/47 người đã được xử lý xong (xử lý hành chính 11 vụ/24 người, xử lý hình sự 15 vụ/23 bị cáo); đã thu hồi tài sản gần 14,3 tỷ đồng và gần 90.000 m2 đất sai phạm…

 Ít người người đứng đầu phải chịu trách nhiệm        

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có sự thờ ơ trong công tác này ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị. 5 năm qua, số vụ tham nhũng do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ động phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ trên địa bàn tỉnh chỉ là 6 vụ/6 người. Trong khi đó, công tác quản lý đất đai, khoáng sản, tài chính ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra, giám sát là nguyên nhân dẫn đến phát sinh tiêu cực. Điển hình như vụ việc tại một trường học ở huyện Tuy Phong. Trong một thời gian dài, tiền thu, chi của trường không hề được ghi chép vào sổ sách và cũng không được kiểm tra. Do vậy, khi vụ việc bị phát hiện, số tiền vi phạm đã khá lớn. Nếu như được kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, thì có lẽ vụ việc chỉ dừng lại ở mức rút kinh nghiệm. Một trong những giải pháp để phòng, chống tham nhũng là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Họ cũng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, dù số lượng các vụ án tham nhũng tại tỉnh được phát hiện, xử lý khá nhiều, nhưng số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra tham nhũng bị xử lý trách nhiệm còn ít. Một số vụ chưa quy được trách nhiệm và xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu... Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng tại tỉnh mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, lực lượng giám định viên tư pháp thời gian qua đã được củng cố kiện toàn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử nhất là giám định về tài chính, giám định thiệt hại rừng, định giá tài sản. Có những vụ việc công tác giám định còn để kéo dài, thậm chí có những trường hợp còn né tránh. Bên cạnh đó, công tác phối hợp xử lý giữa các cơ quan tố tụng cấp huyện có vụ việc chưa chặt chẽ, kịp thời. Chất lượng công tác điều tra có vụ chưa đạt yêu cầu nên phải trả để điều tra bổ sung. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đạt thấp...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại Bình Thuận trong thời gian tới, mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu, cần triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng, lãng phí trong nội bộ từng cơ quan đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng... 

Đình Nhượng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng