Theo dõi trên

Tri ân bằng hành động ý nghĩa, thiết thực

31/03/2022, 05:24

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Thực hiện lời căn dặn của Người đồng thời kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân các đối tượng chính sách, thương binh, liệt sĩ, người có công (NCC) với cách mạng bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, chăm lo cho NCC một cách tốt nhất theo từng giai đoạn.

7-1-.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An chúc tết gia đình chính sách tại phường Phú Tài – TP. Phan Thiết.

Trách nhiệm đối với NCC

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Xác định chính sách ưu đãi NCC với cách mạng là chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh, biết ơn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với NCC với cách mạng, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì vậy, trong 30 năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với NCC theo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, nhất là các chính sách mới ban hành được kịp thời. Từ đó, nhiều kết quả được nhân dân ủng hộ, đồng tình, nhất là giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi cho từng đối tượng được hưởng theo quy định; chế độ tham quan, điều dưỡng, chế độ trợ cấp ưu đãi giáo dục cho con của NCC với cách mạng đang theo học, cấp BHYT…

Điểm nổi bật nhất đó là phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ neo đơn được nhiều cá nhân, nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng mạnh mẽ. Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị của bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp ngoài tỉnh đã tham gia đóng góp tích cực, liên tục trong nhiều năm qua. Toàn tỉnh có trên 2.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đến nay có 43 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, có hơn 1.000 cha, mẹ liệt sĩ già yếu, neo đơn, con liệt sĩ khuyết tật, mồ côi... đã được gần 200 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc, với khoản trợ cấp hàng tháng từ 300.000 - 800.000 đồng. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – liệt sĩ (27/7), Tết Nguyên đán, tỉnh đã xuất chi ngân sách gần 60 tỷ đồng để trợ cấp cho gia đình và NCC với cách mạng. Đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, sức khỏe yếu, bệnh tật hiểm nghèo, sống cô đơn không nơi nương tựa đã được địa phương phân công các đoàn thể thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ góp phần hạn chế những khó khăn cho các gia đình NCC với cách mạng.

Bên cạnh đó, các phong trào Đền ơn đáp nghĩa được duy trì thường xuyên và tiếp tục phát triển như: Đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây tặng nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng, đỡ đầu đã được các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Công tác chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe được thực hiện đầy đủ, đúng chế độ theo quy định. Trong 30 năm qua, tỉnh đã tổ chức đưa trên 90.000 lượt NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Mặt khác, tỉnh cũng đã trích trên 20 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh tổ chức cho gần 1.500 NCC với cách mạng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đi tham quan miền Bắc, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng nguyện vọng và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho NCC với cách mạng. Việc tổ chức họp mặt, thăm viếng, tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và NCC với cách mạng nhân các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm trong năm đã được duy trì thường xuyên và trở thành nề nếp, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – liệt sĩ 27/7, Tết Nguyên đán.

Việc làm thiết thực, ý nghĩa

Không dừng lại ở việc quan tâm đến công tác chăm sóc, tri ân những NCC với cách mạng đang sống, 30 năm qua, tỉnh còn chú trọng đến công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ công trình ghi công liệt sĩ. Theo đó, thực hiện Quyết định số 1237 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2348 về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đã thường xuyên vận động trong nhân dân, nhất là các cựu chiến binh, cựu quân nhân tìm kiếm, phát hiện, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và tham gia tìm kiếm, quy tập. Tính đến nay, toàn tỉnh tổ chức khảo sát, quy tập được 557 hài cốt liệt sĩ đưa vào an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nâng tổng số mộ liệt sĩ được quy tập vào an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Linh, Tánh Linh từ trước đến nay lên trên 9.000 mộ. Cùng với đó, tổ chức cất bốc, bàn giao 167 hài cốt liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ về quê an táng. Tổ chức lấy 85 mẫu hài cốt liệt sĩ theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ và 60 mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ gửi Cục Người có công giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, qua đó xác định được danh tính 12 liệt sĩ.

Bên cạnh đầu tư của Trung ương, UBND tỉnh đã quan tâm hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp, tiến hành xây dựng và sửa chữa trên 3.000 căn nhà tình nghĩa, nâng cấp; sửa chữa trên 120 công trình bia, đài ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên toàn tỉnh với tổng kinh phí trên 205 tỷ đồng. 30 năm qua, tỉnh còn hoàn thành nâng cấp 8.950 mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành di tích lịch sử, công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như: Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Đền thờ liệt sĩ TP. Phan Thiết, Bia ghi danh - Đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ Thanh niên xung phong Đoàn Vận tải H50 và xã Đa Kai… “Hòa cùng những chế độ ưu đãi của Nhà nước, những phong trào tình nghĩa, những việc làm tình nghĩa, nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã tự khắc phục những khó khăn, phát huy tinh thần tự lực tự cường, vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tích cực sản xuất kinh doanh làm giàu chính đáng. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên là NCC với cách mạng” – bà Tâm chia sẻ.

Có thể khẳng định, 30 năm qua, nhiều hoạt động tri ân NCC với cách mạng được các cấp, các ngành trong tỉnh duy trì thường xuyên, hiệu quả thời gian qua đã động viên kịp thời đối tượng NCC và gia đình cách mạng vươn lên, có cuộc sống ấm no, ổn định. Đặc biệt, những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đã mang ý nghĩa chính trị - xã hội và giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, qua đó, góp phần bồi đắp, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2022): Lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
Đồng chí Lê Văn Lương, tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28/3/1912 trong một gia đình nhà nho tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 6/1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và đến khi Đảng Cộng sản ra đời, đồng chí trở thành đảng viên của Đảng.
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tri ân bằng hành động ý nghĩa, thiết thực