Phục hồi hơn kỳ vọng
“Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả” – cụm từ ấy có lẽ được nhắc nhiều nhất, trong thời điểm đầu năm 2022, khi chúng ta bắt tay vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Khi ấy người lạc quan nhất cũng chưa dám nghĩ tới những kết quả khả quan về các chỉ tiêu phát triển sẽ đạt được, bởi sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, cùng với giá nguyên, vật liệu đầu vào, nhất là phân bón, xăng dầu tăng cao; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ... Tuy nhiên với sự quyết tâm, đồng lòng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận đã có những bước phục hồi trở lại mạnh mẽ và đáng tự hào. Nổi bật là cả 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp đã phục hồi khá sớm. Hầu hết 17 chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm đều đạt và vượt. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 7,5%, trong đó dịch vụ tăng 13,68%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển tăng 10,36% so năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,24%. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm chuyển dịch từ xu hướng nhỏ lẻ sang quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt hoạt động du lịch sôi động trở lại khá nhanh, khi chúng ta có sự điều chỉnh, tăng cường quảng bá hướng tới thu hút du khách trong nước, khi thị trường thế giới gặp khó khăn. Bước điều chỉnh ấy đã thu hút tổng lượng khách đến tỉnh tăng gấp 3,22 lần và doanh thu từ hoạt động du lịch gấp 3,29 lần so năm 2021.
Có được những kết quả quan trọng ấy, đầu tiên phải nói đến sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo đúng đắn, bản lĩnh vượt khó của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó có sự kiên định với định hướng phát triển 3 trụ cột “công nghiệp, du lịch, nông nghiệp” mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đặt ra. Đây sẽ là kinh nghiệm vượt khó, là nền tảng vững chắc giúp chúng ta vững tin hơn cho những hoạch định phát triển tỉnh nhà trong thời gian tới.
“Năm bản lề” cho chặng đường mới
Năm 2023, không chỉ được xem là “năm bản lề” của giai đoạn mới, khi chúng ta vừa kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh (1992 – 2022), với nhiều thành tựu đã gặt hái được, để mở ra một chặng đường mới với bao khát vọng phía trước. Đồng thời, năm 2023 cũng được xem là năm “then chốt”, có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong việc tăng tốc các chỉ tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đặc biệt trong tỉnh ta sẽ tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - một sự kiện quan trọng, với kỳ vọng đưa ngành du lịch Bình Thuận bứt phá, nâng lên tầm cao mới.
Có thể nói, hiện nay Bình Thuận đang “chuyển mình” mạnh mẽ đã và đang trở thành “một cực” phát triển mới của khu vực duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ. Và để “tiếp lửa” cho bước “chuyển mình” ấy, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26, ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có Bình Thuận. Với tiềm năng, lợi thế kinh tế biển và du lịch, vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với Tây nguyên, vùng kinh tế sôi động Đông Nam bộ phía Nam. Cùng với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua địa bàn tỉnh) sắp hoàn thành đưa vào sử dụng, Cảng hàng không Phan Thiết và các đường trục ven biển đang được triển khai xây dựng, “điểm nghẽn” chồng lấn giữa quy hoạch khai thác, dự trữ titan với các quy hoạch khác được quan tâm tháo gỡ; hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại, kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội đang dần hình thành, sẽ là động lực mới cho sự phát triển về mọi mặt trong tương lai.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, thì dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến tính ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… có chiều hướng diễn biến phức tạp. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng, trong đó có việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án, thu hút khách du lịch nước ngoài và nguồn lao động việc làm trên địa bàn tỉnh… Dù vậy, với quyết tâm cao và sự đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và thực tiễn vượt khó trong năm 2022, chúng ta sẽ vững tin vào sự đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trên chặng đường mới.