Theo dõi trên

Quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế có đảm bảo?

06/11/2018, 08:38

BT-  Trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội Bình Thuận thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông trong tỉnh tổ chức nhiều chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Chị Loan (xin không nêu địa chỉ) phản ánh: “Tôi xin nêu vấn đề này đến ông Đ.M.T và ngành y tế. Ở Trạm Y tế của xã tôi thường xuyên báo hết thuốc cấp cho người đi khám BHYT, y, bác sĩ của trạm thường yêu cầu mua riêng ở ngoài, hoặc có thể mua của họ, thuốc này họ đem theo lên trạm bán luôn. Họ nói thuốc tốt hơn thuốc BHYT. Tôi cho rằng có vấn đề khuất tất ở đây, vì trạm thường xuyên báo hết thuốc hoặc không đủ thuốc. Buộc người bệnh phải mua của họ hoặc ra quầy thuốc ở ngoài mua. Như vậy, chúng tôi mất quyền lợi. Mong muốn nghe ý kiến trả lời của ông về vấn đề này trên phương tiện truyền thông đại chúng”.

Phải nói rằng, đã có những trường hợp tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT có tình trạng bác sĩ điều trị kê mua ngoài và hướng dẫn người bệnh BHYT về cơ quan BHXH để thanh toán trực tiếp một số loại thuốc, vật tư y tế (VTYT) có trong danh mục quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế hoặc Thông tư số 04/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành danh mục, tỷ lệ và điều kiện thanh toán đối với VTYT thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT… làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và gây nhiều khó khăn cho người bệnh BHYT. Tuy nhiên, pháp luật cũng đã quy định xử lý các hành vi làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người bệnh

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất xét nghiệm, phim X-quang, VTYT sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh theo danh mục do Bộ Y tế ban hành. Điều 6 Thông tư số 40/2014/TT-BYT quy định: “Cơ sở KCB có trách nhiệm cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh BHYT theo danh mục thuốc đã xây dựng, không để người bệnh phải tự mua”. Điều 6 Thông tư số 04/2017/TT-BYT quy định: “Cơ sở KCB có trách nhiệm cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng quy định theo danh mục VTYT, đáp ứng nhu cầu điều trị của người tham gia BHYT”.

Tại Điều 67 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cơ sở KCB cung ứng thuốc, hóa chất, VTYT, dịch vụ kỹ thuật không đầy đủ trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.  Đồng thời, buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT mà đối tượng đã phải tự chi trả.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, tránh gây khó khăn, phiền hà đối với người tham gia BHYT, thiết nghĩ cơ sở KCB BHYT cần cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các thuốc, VTYT trong danh mục Bộ Y tế quy định. Chỉ đạo bác sĩ điều trị không kê thêm thuốc bắt người bệnh BHYT phải mua ngoài rồi hướng dẫn đến cơ quan BHXH thanh toán như phản ánh nói trên. 

Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Tại Điều 215 quy định tội gian lận BHYT: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu  đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:  Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong KCB hưởng chế độ BHYT trái quy định. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu  đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tiền BHYT từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền BHYT 500 triệu đồng trở lên;  gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng…

Đặng Minh Thông



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế có đảm bảo?