Theo dõi trên

La Gi: Người dân chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

07/08/2017, 08:32

BT- Thời gian qua, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thị xã La Gi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, trái ngược với sự rốt ráo vào cuộc phòng, chống dịch bệnh của các ngành chức năng, thì nhiều người dân vẫn còn thờ ơ, chủ quan với loại bệnh nguy hiểm này.

Bà Đinh Thị Mỹ Liên - Phó trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế thị xã La Gi) cho biết: Tính đến cuối tháng 7, toàn thị xã có 90 ca mắc SXH, trong đó 2 ca nặng và 8 ổ dịch (không có trường hợp tử vong), so cùng kỳ năm 2016 tăng 36 ca; riêng tháng 7 đã có 21 ca. Số ca mắc SXH tập trung ở các xã, phường: Phước Hội, Phước Lộc, Bình Tân, Tân Hải và cao nhất là phường Tân Thiện. Số ca mắc SXH chủ yếu từ 15 tuổi trở lên. Nguyên nhân số ca mắc bệnh tăng cao là do dịch SXH có tính chất chu kỳ, cứ khoảng 5 năm lại có một lần dịch bùng phát, cùng với diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là vào mùa mưa. Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra đột xuất tại các phường Phước Lộc, Phước Hội và Tân Thiện, đã phát hiện trên 30 hộ gia đình chưa có ý thức vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, quần áo, vật dụng không gọn gàng, sử dụng các dụng cụ chứa nước không đậy nắp, rác thải và các vật dụng sinh hoạt không sử dụng vứt bừa bãi ngoài vườn. Nhiều ao, vũng nước tự phát, cỏ dại mọc um tùm quanh nhà cũng không được phát quang bụi rậm, dọn dẹp nên muỗi vào đẻ trứng, khiến cho các chỉ số dụng cụ có lăng quăng, bọ gậy và mật độ muỗi tại các hộ gia đình này đều vượt cao so quy định. Dự báo, nếu không xử lý hóa chất thì số ca mắc bệnh tại các phường, xã này sẽ càng tăng cao. Kết thúc đợt kiểm tra, thị xã đã tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, khoanh vùng nguy cơ để xử lý ổ dịch theo quy định. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tiến hành ra quân, tổ chức các đợt vệ sinh môi trường nhằm chặn đứng sự sinh sản và phát triển của muỗi gây bệnh SXH, phun hóa chất chủ động khống chế không để đàn muỗi nhiễm vi rút Dengue phát triển và lan rộng thành dịch. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ dân không hợp tác trong quá trình phun hóa chất chủ động phòng bệnh, gây khó khăn cho nhân viên y tế.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Liên, do bệnh SXH chưa có thuốc đặc trị và không có vaccine nên các biện pháp phòng bệnh là vấn đề cần được chú trọng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, các cấp chính quyền mà người dân và cộng đồng cũng cần phối hợp chặt chẽ trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh. Quan trọng hơn là nâng cao ý thức cho người dân trong chủ động loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà; lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; đậy dụng cụ chứa nước bằng nắp, vải mùng ngăn không cho muỗi đẻ trứng... Bên cạnh đó, người dân nên mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày; khi có biểu hiện sốt, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị.

    
    Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận ghi nhận có 905 ca mắc SXH, giảm 6,5%   so cùng kỳ năm 2016 (968 ca), không có ca tử vong. Tuy nhiên, Bình Thuận   là một trong 14 tỉnh, thành có số ca mắc bệnh cao và dịch bệnh đang có   nguy cơ lan rộng.

K.CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
 Cử tri xã Thuận Minh: 
Kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chế độ người có công
BTO-Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 8/5, bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã Thuận Minh – huyện Hàm Thuận Bắc trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri các kỳ tiếp xúc trước. Cùng dự buổi tiếp xúc còn có lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi: Người dân chủ quan với bệnh sốt xuất huyết