Theo dõi trên

Giáo viên muốn dạy học cả ngày

04/12/2017, 08:56

BT- Với hơn 50% học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên Trường tiểu học Sông Phan 1, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân đã gặp nhiều khó khăn để các em tiếp thu kiến thức cơ bản. Do đó, trường mong muốn tỉnh cho phép nâng từ 5 buổi học/ tuần lên gấp đôi để các em có thời gian học tập nhiều hơn.

                
Trường tiểu học Sông Phan 1.

Cô Đồng Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Phan 1 cho biết: Trường hiện có 21 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tất cả giáo viên của trường có trình độ trên chuẩn. Đây là nền tảng giúp nhà trường triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2017 - 2018. Năm nay, trường có 263 học sinh, trong đó 136 học sinh dân tộc thiểu số, tập trung ở thôn Tân Quang. Trường thực hiện mô hình 30 tiết/ tuần theo chương trình SEQAP. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng học sinh có nguy cơ ở lại lớp, bỏ học, học sinh không đạt chuẩn lên lớp, trường đã triển khai kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung phù hợp. Đồng thời, tìm mọi biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách phụ đạo học sinh trong và ngoài giờ học. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động gắn với nội dung “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Riêng đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số, trường thực hiện kế hoạch dạy giãn tiết ở môn tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết lên 500 tiết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, trường còn xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh qua các hoạt động dạy  tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục. Tổ chức các trò chơi, ngày hội đọc, thi kể chuyện, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”... Còn đối với trẻ lang thang cơ nhỡ và học sinh khuyết tật, bên cạnh thực hiện tốt chế độ chính sách cho học sinh khuyết tật theo Công văn số 2308 của UBND tỉnh. Trường còn tăng cường công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, chú ý đánh giá học sinh khuyết tật theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh là chính. Song song đó, trường phát động phong trào “Tấm áo mới” đối với học sinh toàn trường. Các lớp thi đua nuôi heo đất để mua áo tặng bạn nghèo…

 “Mặc dù đã có phương pháp dạy riêng nhưng số học sinh dân tộc thiểu số quá đông với hơn 50% nên khả năng tiếp thu kiến thức của các em còn hạn chế. Đặc biệt là học sinh vào lớp 1 quá yếu. Một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con cái dẫn đến sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình kém hiệu quả. Chất lượng học sinh còn hạn chế nên trường mong muốn tỉnh quan tâm xem xét nâng từ 5 buổi học lên 10 buổi học/tuần để có nhiều thời gian kèm cặp học sinh tốt hơn…” cô Hương kiến nghị.

 KIM ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên muốn dạy học cả ngày