Theo dõi trên

Nỗi lo giáo viên trước chương trình mới

26/01/2018, 13:59

BT- Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được công bố, nội dung chương trình có khá nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành. Đáng chú ý nhất là một số môn tích hợp như Lịch sử, Địa lý thành môn Lịch sử & Địa lý. Môn Lý, Hóa, Sinh tích hợp thành môn môn Khoa học tự nhiên. Có khá nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc quanh chuyện này.

                
Giáo viên cần được bồi dưỡng để dạy tích    hợp. Ảnh minh họa

Từ trong thực tế dạy học, chúng tôi xin được kể một vài câu chuyện có thật để độc giả có thể hình dung ra những khó khăn thách thức về đội ngũ giáo viên trước sự thay đổi của chương trình mới.  Ở bậc tiểu học, giáo viên chủ nhiệm thường đảm nhận dạy gần như tất cả các môn học (trừ một số môn nghệ thuật như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Hát nhạc) thì việc tích hợp 2 môn học Lịch sử, Địa lý thành môn Lịch sử & Địa lý cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến việc dạy của các thầy cô. Thế nhưng ở bậc học THCS ba môn: Lý, Hóa, Sinh gộp thành môn Khoa học tự nhiên giáo viên mới gặp khó khăn rất lớn. Thực tế thì không phải thầy cô nào dạy Lý cũng có thể dạy Hóa, hay dạy Sinh cũng có thể dạy Lý. Dạy được đã khó nói gì đến dạy tốt. Mà muốn dạy tốt thì thầy cô phải biết mười dạy một. Đằng này, không ít thầy cô gần như chưa hiểu nhiều về môn học, nay lại phải trực tiếp giảng dạy nên áp lực gấp nhiều lần.

Từ những ngày còn ngồi ở trường phổ thông, những giáo viên này cũng chỉ học nổi trội nhất một môn nào đó. Vào sư phạm học chuyên một môn và ra trường vài chục năm nay cũng chỉ dạy duy nhất một môn. Nay chương trình tích hợp kiểu này sẽ có không ít giáo viên không thể nào đảm nhận được. Để dạy được (dạy cho hết bài, dạy cho xong) thì dễ nhưng dạy tốt, dạy hiệu quả thì chẳng hề đơn giản.

Đã có khá nhiều câu chuyện buồn ngoài thực tế khi nhà trường phân công giáo viên dạy chéo môn. Thầy dạy Lý khi dạy Hóa không cân bằng nổi phương trình. Có cô giáo dạy Sinh khi dạy Lý, học trò giải bài tập khác cách của giáo viên, cô nói rằng trò làm sai. Có thầy cô trước khi vào lớp dạy còn phải hỏi thêm đồng nghiệp nội dung bài mình sẽ giảng như thế nào mới đúng.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm: “Giáo viên các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ được tập huấn như giáo viên môn học khác. Nhưng bên cạnh đó, họ sẽ được học các tín chỉ để có thể một mình đảm nhiệm được môn học”.

Nhưng dù có tập huấn bao lâu cũng chỉ có thể thay đổi được phương pháp giảng dạy, kỹ năng đứng lớp và có thêm kinh nghiệm tổ chức lớp học chứ tuyệt nhiên thay đổi kiến thức mà giáo viên hiện có lại khó vô cùng. Bởi kiến thức chính là sự tích lũy của cả một quá trình mà thầy cô thu nạp từ những ngày đi học chứ không thể có được chỉ nhờ vào mấy buổi tập huấn ngắn ngủi.

Giáo viên hiện đang giảng dạy ở trường thì thế. Đội ngũ giáo viên sẽ ra trường nay mai cũng chẳng thể mong đợi nhiều khi đầu vào sư phạm quá thấp. Học sinh thi 3 môn đạt điểm 10 hoặc trên 10 sẽ chẳng có nhiều trình độ để dạy tích hợp những môn: Lý, Hóa, Sinh cho tốt. Đó là chưa nói đến việc 3 môn học đơn lẻ nay tích hợp thành một môn học nhưng vẫn có 3 thầy dạy. Thế là gánh nặng về phân công chuyên môn lại đè nặng trên vai nhà trường. Việc tính toán thời gian dạy từng lớp, từng phân môn, từng con điểm sao cho hài hòa giữa những phân môn ấy cũng là cả một vấn đề.

Một giáo viên tổ trưởng Hóa -  Sinh trường THCS cho biết: “Tích hợp kiểu này giáo viên vô cùng vất vả, không chỉ lo trau dồi kiến thức để dạy tốt còn phải mất nhiều thời gian thầy cô dạy Lý, Hóa, Sinh ngồi lại với nhau để xem từng phân môn mình đã dạy được bao nhiêu kiến thức. Từ đó mới có thể thống nhất cách ra đề kiểm tra 15 phút, đề 1 tiết rồi đề cuối học kỳ cho phù hợp.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo giáo viên trước chương trình mới