Theo dõi trên

Sĩ số học sinh quyết định gì đến việc thành bại của chương trình mới?

18/01/2019, 09:36

BT- Theo đúng kế hoạch, năm học 2020 -2021 ngành giáo dục trong toàn quốc sẽ bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, khối lớp 1 sẽ áp dụng đầu tiên. Thời gian chương trình mới đi vào thực tiễn chẳng còn bao xa, thế nhưng nhiều khó khăn trong ngành giáo dục (sĩ số học sinh, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên…) vẫn đang là thách thức lớn. Đặc biệt, sĩ số học sinh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công hay thất bại của một chương trình.

 Thách thức về sĩ số học sinh

Trong khi khá nhiều tỉnh, thành trên cả nước sĩ số học sinh từng lớp học quá cao. Điển hình như nhiều trường ở Hà Nội sĩ số học sinh có lớp 70 học sinh. Ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… sĩ số nhiều lớp cũng 50 - 60 học sinh/lớp.

                
      
Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu    triển khai áp dụng theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm    vi toàn quốc.

Sĩ số cao như thế, giáo viên sẽ dạy học ra sao? Nhiều thầy cô cho biết: “Giữ trật tự đã mất khá nhiều thời gian. Thời gian ít ỏi còn lại, giáo viên chỉ thực hiện công việc thuyết giảng, đọc cho học sinh chép và về nhà yêu cầu các em học thuộc là xong”. Giáo viên có nhiệt tình đến đâu cũng không còn thời gian hướng dẫn tiếp, hoặc phải qua tiết dạy khác, hoặc phải trả lớp cho đồng nghiệp.

Khá nhiều đồng nghiệp của chúng tôi hiện đang dạy ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh… cho biết, dù ngành giáo dục có triển khai nhiều phương pháp dạy học mới, nhiều mô hình dạy học tích cực thì họ vẫn không thể vận dụng vào tiết dạy của mình thường xuyên (trừ khi có thao giảng dự giờ hoặc tham gia các hội thi dạy giỏi). Dù nhiệt tình thì giáo viên cũng không có cách nào khác hơn ngoài phương pháp dạy học truyền thống từ bao đời nay.

Chương trình giáo dục phổ thông mới mục tiêu đưa ra là tập trung giảng dạy theo hướng phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Bởi thế, nếu dạy học vẫn cứ tuân thủ theo kiểu dạy truyền thống từ xưa thì mục tiêu giáo dục mới đã hoàn toàn thất bại.

 Bình Thuận có lợi gì khi áp dụng chương trình mới?

Khác với nhiều tỉnh, thành đã được nêu trên, tại Bình Thuận sĩ số học sinh 1 lớp luôn đạt ở mức chuẩn. 35 học sinh/lớp bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp bậc trung học. Sĩ số này, đã được các trường học trong tỉnh áp dụng nhiều năm nay. Đây chính là điểm thuận lợi nhất cho tỉnh nhà khi chương trình giáo dục phổ thông mới đưa vào áp dụng.

Yên tâm về mặt sĩ số, nhưng vẫn còn khá nhiều nỗi lo, sự trăn trở. Nhiều giáo viên bậc trung học cơ sở lại lo vấn đề dạy học tích hợp “mình sẽ dạy sao đây khi không có chuyên môn sâu vào môn học ấy?” Cụ thể, 3 thầy (lý, hóa, sinh) dạy chung một môn gọi là môn khoa học tự nhiên. (sử, địa) dạy chung một môn lịch sử & địa lý. Ngoài những mạch kiến thức vẫn riêng biệt cho 3 môn học ấy để giáo viên môn nào vẫn dạy môn ấy. Bên cạnh đó, vẫn có không ít tiết học chung (kiến thức tổng hợp đã được tích hợp). Một số giáo viên dạy sinh cho biết: “Mình không thể dạy tốt môn lý, hóa. Giáo viên dạy hóa không thể dạy tốt lý và sinh…”.

Khi áp dụng chương trình mới, giáo viên sẽ được đi tập huấn. Thế nhưng tập huấn, bồi dưỡng chỉ trang bị cho người học kỹ năng sư phạm, như kinh nghiệm đứng lớp, phương pháp giảng dạy… còn kiến thức nền giáo viên phải tự mình học hỏi và trang bị.

Với lợi thế về sĩ số chuẩn hiện nay, việc khắc phục trình độ giáo viên dạy tích hợp rất cần ngành giáo dục tỉnh nhà lưu ý. Có vậy mục tiêu giáo dục mới như kỳ vọng của ngành mới đạt được kết quả tốt.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sĩ số học sinh quyết định gì đến việc thành bại của chương trình mới?