Theo dõi trên

Bình Thuận trên đà vươn tới mục tiêu 3 mạnh

19/01/2018, 11:09

BT- Tháng 4 năm trước, khi làm việc với tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Bình Thuận có tiềm năng to lớn, điều kiện đa dạng, đủ khả năng để phát triển, trở thành tỉnh giàu, mạnh. Dựa trên tiềm năng của mình, Bình Thuận đặt mục tiêu trở thành một tỉnh mạnh về kinh tế biển, du lịch và năng lượng, trong đó du lịch - thể thao biển và năng lượng sẽ trở thành những trung tâm mang tầm quốc gia.

                
Bình Thuận hướng đến trở thành Trung tâm du    lịch - thể thao biển. Ảnh: Đình Hòa

Đột phá của ngành năng lượng

Ít có tỉnh nào có tiềm năng phát triển ngành năng lượng đa dạng như ở Bình Thuận. Ngoài thủy điện, nhiệt điện (nhiệt điện than, nhiệt điện khí), Bình Thuận có tiềm năng điện mặt trời và điện gió đứng tốp đầu của Việt Nam. Theo các quy hoạch về phát triển năng lượng của tỉnh, Bình Thuận sẽ có tổng công suất khoảng 8.600 MW vào năm 2020 và lên đến 18.000 MW vào năm 2030, trong đó Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân có tổng công suất lắp đặt 6.224 MW, Trung tâm điện khí Sơn Mỹ có tổng công suất lắp đặt 3.900 MW, hệ thống thủy điện có tổng công suất 854 MW, hệ thống điện năng lượng tái tạo khoảng 7.000 MW. Tổng điện năng sản xuất của tỉnh Bình Thuận sẽ tăng mạnh, năm 2020 khoảng 22,5 tỷ kWh và đạt 63 tỷ kWh vào năm 2030, chiếm khoảng 11% tổng điện năng sản xuất của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam.

Nếu đi từ phía Bắc vào, khi vừa đặt chân đến Bình Thuận, sẽ bắt gặp những nhà máy đồ sộ của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân nằm ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Trung tâm được xây dựng trên vùng đất rộng 637 ha, bao gồm 4 dự án lớn là Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng, với 10 tổ hợp phát điện, tổng công suất lắp đặt 6.224 MW, là tổ hợp nhiệt điện lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng vốn đầu tư 6,1 tỷ USD. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã phát điện thương mại, năm 2017 đạt 5,1 tỷ kWh, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Theo tiến độ đến 2023, nhà máy cuối cùng phát điện thương mại, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ cung cấp cho đất nước 36 tỷ kWh/năm.

Không xa Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân về phía Nam là hai dự án điện gió đã hòa lưới điện quốc gia, trong đó dự án phong điện Phú Lạc, công suất 24MW là dự án điện gió đầu tiên của Việt Nam đã phát điện thương mại vào năm 2012. Bình Thuận đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch điện gió với các mục tiêu đến năm 2020 công suất lắp đặt khoảng 700 MW, năm 2030 là 2.500 MW. Hiện nay, đã có 19 dự án điện gió đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc có quyết định chủ trương đầu tư, với tổng công suất 1.200 MW. Điều đặc biệt, sẽ có những dự án điện gió vừa sản xuất điện, vừa sản xuất nông nghiệp, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất. Bình Thuận đang kiến nghị cho phép triển khai các dự án điện gió trên rừng sản xuất; nếu được Chính phủ chấp thuận, sẽ mở ra thêm tiềm năng phát triển điện gió kết hợp trồng rừng, phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai và năng lượng gió.

Là vùng đất nắng hạn, có nền nhiệt độ cao, tổng số ngày nắng trên 300 ngày và 3.000 giờ nắng trong năm, Bình Thuận có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời. Theo “Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt là 828 MW, đến năm 2025 là 2.642 MW và đến năm 2030 đạt khoảng 4.520 MW. Hiện nay, đã có 55 dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư. Một trong những điều đặc biệt trong các dự án điện mặt trời ở Bình Thuận là sẽ có những nhà máy điện mặt trời trên mặt hồ và điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia

Thiên nhiên ưu đãi cho Bình Thuận nhiều thắng cảnh ít nơi nào sánh được, với bờ biển dài, những bãi biển đẹp, những đồi cát ngút ngàn với những đường cong uốn lượn mềm mại luôn “đuổi hình, bắt bóng” theo cơn gió. Báo chí nước ngoài đã từng viết về đồi cát ở đây như sau: “Chúng không cách xa Sài Gòn, nhưng những đồi cát này như thuộc về một lục địa khác hoàn toàn. Bạn có thể trượt đồi cát, cưỡi mô tô, hay chỉ đơn giản tự do vui đùa với cát trắng, hồng”. Bên cạnh đó, một số công trình kiến trúc văn hóa – lịch sử nằm ven biển cũng là những nơi níu chân du khách, như tháp Posha Inư, ngọn hải đăng Kê Gà, Trường Dục Thanh (nơi Bác Hồ từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước), tượng Phật nằm trên chùa Núi Tà Cú, Dinh Thầy Thím… Cách bờ 57 hải lý (110 km) là đảo Phú Quý, được Chính phủ quy hoạch “điểm du lịch quốc gia”. Phú Quý có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như núi Cao Cát, biển trong xanh, hoang sơ, đẹp đến mê hồn, có thể lặn ngắm san hô và các loại cá màu bơi lội, là một điểm hấp dẫn du khách trong những năm gần đây khi giao thông đi lại thuận lợi hơn.

Khái niệm Trung tâm du lịch – thể thao biển được đề xuất tại phiên làm việc của Bộ Chính trị với tỉnh năm 2013, với ý tưởng kết hợp nhuần nhuyễn du lịch và các môn thể thao biển, để tạo ra điểm khác biệt và hấp dẫn của du lịch Bình Thuận. Du lịch Bình Thuận bước qua tuổi 20 và hiện đang sở hữu 1.200 cơ sở lưu trú, trong đó có  3 khách sạn 5 sao, 28 khách sạn 4 sao. Năm 2017, Bình Thuận vượt mốc 5,5 triệu khách du lịch, trong đó có nửa triệu khách quốc tế, trung bình mỗi người dân Bình Thuận đón 4 khách du lịch đến thăm, nghỉ dưỡng. Doanh thu du lịch gần 11.000 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2016. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có hiệu ứng lan tỏa rộng, tính ra đóng góp của ngành du lịch còn nhiều hơn thế. Một bộ phận người dân Bình Thuận có thêm “công ăn, việc làm” nhờ cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho du lịch…

 Triển vọng kinh tế biển

Chiến lược biển Việt Nam khẳng định, chúng ta sẽ trở thành một nước mạnh về biển và làm giàu từ biển. Kinh tế biển không phải chỉ là việc đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên trên biển. Dựa trên nền tảng mà biển đem lại, những ngành, lĩnh vực liên quan tạo nên sự phát triển của kinh tế biển. Với đường bờ biển dài 192 km, ngư trường rộng lớn, vùng đồng bằng ven biển rộng, ít bị chia cắt, vùng cát ven biển có trữ lượng titan lớn, thềm lục địa có mỏ dầu, ven biển có các đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, có thể khẳng định Bình Thuận có khá nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển.

Ngoài triển vọng về phát triển công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, Bình Thuận còn nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp với các loại sản phẩm lợi thế như quả thanh long, mủ cao su, mủ trôm, hạt điều, hồ tiêu…, bởi tài nguyên đất đai còn phong phú, hệ thống thủy lợi gần như đã phủ khắp các vùng khô hạn. Tỉnh cũng đã quy hoạch 2.000 ha nông nghiệp công nghệ cao và đang kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược. Ngành công nghiệp chế biến cũng có nhiều tiềm năng, trong đó có chế biến sản phẩm từ trồng trọt và đặc biệt là từ thủy sản. Với gần 10.000 tàu thuyền, tổng công suất 450.000 CV, trong đó hơn 3.000 tàu thuyền công suất lớn; sản lượng khai thác 220.000 tấn/năm, ngành ngư nghiệp Bình Thuận không chỉ cung cấp sản phẩm tươi, khô mà còn cung cấp nguyên liệu cho ngành nước mắm khá nổi tiếng. Mỗi năm Bình Thuận sản xuất được khoảng 450 triệu lít nước mắm phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nếu phát triển thêm công nghiệp chế biến thủy sản, Bình Thuận sẽ còn nhiều thuận lợi hơn để phát triển theo hướng này.

Vị trí địa lý tự nhiên khiến Bình Thuận là một tỉnh đầy nắng, gió, khô hạn, gặp nhiều khó khăn, bất lợi về khí hậu, thời tiết và kinh tế – xã hội. Song, trong khó khăn đó, người dân Bình Thuận đã biết tìm hướng đi lên. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí từng nói, chúng ta phải biến khó khăn thành thời cơ, thành thuận lợi. Và Bình Thuận đã và đang làm được như vậy. Triển vọng trở thành tỉnh mạnh về năng lượng, du lịch và kinh tế biển sẽ không còn quá xa...

Dương Văn An



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận trên đà vươn tới mục tiêu 3 mạnh