Theo dõi trên

Chuyện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở vùng “khát”

13/06/2018, 08:49

BT- Để giúp nông dân có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết) đã vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nhờ đó kinh tế của người dân có sự thay đổi.

                
      
Thành lập nhóm liên kết chăn nuôi heo sẽ    giúp người dân chủ động đầu ra và xây dựng sản phẩm heo an toàn    Thiện Nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp Trần Minh Quân cho biết: Là xã thuần nông, trước đây người dân chủ yếu trồng điều, dừa, hoa màu và chăn nuôi heo. Đặc biệt 3 năm gần đây bài toán được mùa mất giá luôn diễn ra, cộng thêm chi phí sản xuất, chăn nuôi tăng cao, trong khi tiềm năng đất đai của xã còn nhiều nhưng chưa thể khai thác hiệu quả. Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã là một trong những yếu tố bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Hội Nông dân xã đã vận động người dân từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa bằng các giải pháp như: Đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào canh tác, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập để phát triển kinh tế gia đình.

Đang tất bật dọn cỏ, cày đất, phát cây tạp và điều già cỗi chuẩn bị xuống 1.300 cây trôm, anh Phan Tấn Hải - thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp vui vẻ nói: Sau khi tham quan những vườn trôm đang phát triển rất tốt và hiệu quả tại Vĩnh Hảo, Phong Phú (Tuy Phong), chúng tôi nhận thấy loại cây này có khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng tại vùng Thiện Sơn vốn thường xuyên thiếu nước về mùa khô. Cây trôm lại dễ trồng, công chăm sóc không nhiều, chi phí đầu tư hàng năm không đáng kể, trung bình 1 ha trồng khoảng 1.000 cây và đến năm thứ 4 đã cho khai thác mủ. Mùa mưa này hộ anh Hải sẽ được Phòng Kinh tế TP. Phan Thiết hỗ trợ 100% cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc trôm và 30% chi phí phân thuốc. Trong đợt này 11 hộ thuộc 2 thôn Thiện Sơn và Thiện An cũng đăng ký chuyển đổi 13 ha cây trồng không hiệu quả sang trồng giống cây mới này. Ngoài ra trong năm 2018, Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông TP. Phan Thiết sẽ đưa 3 loại cây trồng mới phù hợp với tính chất đất cho hội viên nông dân xã trồng thử nghiệm là trồng rau an toàn, trồng tỏi Ninh Thuận và chuối già lùn.

Nhằm tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, chăn nuôi, UBND xã Thiện Nghiệp đã phối hợp ngành chức năng hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Xây dựng các tổ hợp tác, nhóm hộ chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi thỏ và đang xúc tiến thành lập nhóm liên kết chăn nuôi heo...

    
    Việc   chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Thiện Nghiệp đang đi đúng hướng   và mang lại hiệu quả tích cực. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 31   triệu đồng/người/năm. Đây là tiền đề để xã tiếp tục thực hiện tốt việc   phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Thục Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở vùng “khát”