Theo dõi trên

Khi mùa khô đến

15/03/2018, 10:05

BT- Lời Tòa soạn: Mùa khô đến kéo theo bao hiểm họa rình rập đến cuộc sống dân sinh. Đó có thể là cháy rừng, là thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt… Mùa khô năm 2018 tại Bình Thuận được dự đoán là không khốc liệt, nhưng qua những chủ động đối phó của nhiều nơi trong tỉnh cho thấy sự không khốc liệt ấy một phần nhờ con người.

                
Các tuyến kênh đầy ắp nước, đảm bảo đủ nước    tưới cho cây lúa.

Vụ đông xuân này ở Đồng Lớn Tánh Linh

Vụ đông xuân này ở Đồng Lớn, nông dân Tánh Linh không còn phải nơm nớp lo việc chống hạn như những năm trước. Hệ thống kênh mương thủy lợi phủ khắp cánh đồng với nguồn nước ổn định từ đập dâng Tà Pao đủ sức giữ chân cho cây lúa vụ đông. Ông Trương Tam - Tổ thủy nông Lạc Tánh rất tự tin nói về chuyện đảm bảo nước tưới cho vụ này. Tổ “nước” của ông phụ trách hơn 600 ha của nông dân Lạc Tánh kéo dài từ đồng Chăm Ngâu đến Đồng Me - Đồng Lớn, riêng khu vực ông trực tiếp dẫn nước tưới là 320 ha lấy từ nhánh 2 của đập tràn qua kênh N1 về chỉ cần 2 ngày là các chân ruộng đầy ắp nước.

Nói về các biện pháp chống hạn cho vụ này, bà Trần Thị Lưu Vi - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm: “Do mùa mưa năm 2017 kết thúc muộn, độ ẩm đất cao, các ao hồ, đập  đều tích nước đủ cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô 2018, nên ít có khả năng bị thiếu nước. Tuy vậy không vì thế mà chủ quan, ngành nông nghiệp huyện đã rà soát các phương án chống hạn, nhất quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước tưới trên cánh đồng đông xuân”. Mặt khác, huyện thực hiện chủ trương tiếp tục giảm diện tích lúa nước đối với các chân ruộng cao, chuyển dần sang sản xuất cây trồng cạn khác có giá trị kinh tế cao hơn như: bắp, đậu xanh, ớt, mè, dưa, rau các loại… Mở rộng các mô hình đã thực hiện hiệu quả như 2 vụ lúa + 1 vụ đậu (hoặc mè, hoặc rau màu…).

Để đáp ứng năng lực tưới phục vụ cho sản xuất trên địa bàn huyện, trong năm 2017 Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi La Ngà đã tu sửa 2.986 m kênh chính với khối lượng đất nạo vét, đào đắp là 12.254 m3. Đối với các tuyến kênh cấp 1 đã tu sửa trên 8.100 m với khối lượng đào đắp trên 25.500 m3. Ở các vị trí đầu mối, bể hút đơn vị cũng đã tiến hành nạo vét trên 154 m3 bùn lắng ở các bể hút. Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối, cung cấp nước tưới - Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi La Ngà đã thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi hiện có đảm bảo dẫn nước liên tục. Bên cạnh đó, công ty cũng đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp & PTNT và UBND các xã, thị trấn để phân bổ lịch bơm tưới cho phù hợp, đảm bảo bơm tưới tiết kiệm, hợp lý… Ưu tiên cho các trà lúa vụ đông xuân bước vào giai đoạn 50 - 60 ngày tuổi và diện tích đang làm đòng trổ.

Vụ đông xuân 2017 - 2018 đã đi được hơn nửa chặng đường, các trà lúa đang vào giai đoạn làm đòng, lác đác một số chân ruộng sớm lúa đã bắt đầu trổ. Trời nắng như đổ lửa, nhưng dưới cánh đồng vẫn xanh ngắt một màu. Nước từ các dòng kênh vẫn đầy ắp, đủ sức tưới tắm cho cánh đồng lớn. Trước đây, ruộng đồng lớn chỉ làm một vụ duy nhất bởi phụ thuộc vào “nước trời”, nay thì 3 vụ nối tiếp nhau và đông xuân trở thành vụ chính. Một khi chủ động được nước thì thời tiết vụ đông xuân là lý tưởng nhất, chỉ lo hạn, không lo ngập úng, mà chống hạn có lẽ là việc lo xa bởi kênh mương thủy lợi đã tỏa khắp cánh đồng. Nguồn nước sông La Ngà được điều tiết bằng đập dâng Tà Pao nên nguồn nước rất ổn định.

Để có được kết quả hôm nay là công sức của cả hệ thống chính trị trên một chặng đường dài, bắt đầu từ chủ trương làm thủy lợi của huyện nhà từ 15 năm trước. Xuất phát điểm từ một quyết sách của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa V, có thể nói không ngoa rằng hàng trăm cây số kênh mương dài thẳng tắp trên cánh đồng ngàn mẫu hôm nay chính là đáp số, là lời giải đúng đắn nhất cho Chỉ thị 15-CT/HU ngày 31/3/2003 của Huyện ủy Tánh Linh về tập trung xây dựng và phát triển thủy lợi gắn với giao thông nội đồng trên địa bàn huyện.

Không chỉ là những công trình đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ khi có Chỉ thị 15 về thủy lợi, nhận thức của người dân cũng nâng lên rõ rệt, việc huy động sức dân tham gia làm thủy lợi đang trở thành phong trào. Nước từ kênh chính, kênh nhánh nhưng mương nhỏ vào từng chân ruộng phải sạch, phải thoáng để tiết kiệm nước.

Nông dân Tánh Linh không còn phải phập phồng cầu trời mưa xuống mà có thể chủ động lịch thời vụ cho mình.

Vụ đông xuân năm nay cũng vậy, toàn huyện Tánh Linh xuống giống 9.350 ha, trong đó diện tích lúa là 7.850 ha với các giống lúa chủ lực là ML202, OM4900, OM7347, OM5451, OM 1490... còn lại là diện tích bắp trên  1.500 ha. Trong mùa khô nhưng với nguồn nước đảm bảo, bà con nông dân tích cực chăm sóc theo đúng quy trình, hy vọng Tánh Linh sẽ bội thu lúa đông xuân.

    
    Sau khi có   Chỉ thị 15, toàn huyện đã làm được 7 đập tự chảy, 9 trạm bơm điện, đưa   tổng năng lực tưới lên trên 7.000 ha/vụ. Cá biệt có những trạm bơm điện   phát huy hiệu quả vượt năng lực thiết kế, như trạm bơm Gia An thiết kế   tưới cho khoảng 400 ha, nhưng thực tế đã đảm bảo tưới cho hơn 585 đất   canh tác…

NAM HƯNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi mùa khô đến