Theo dõi trên

Liên kết sản xuất, chế biến nông sản còn nhiều thách thức

28/02/2019, 15:33

BT- Bình Thuận vùng đất duyên hải, có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, kinh tế nông nghiệp với nhiều nông sản đặc thù, sản xuất hàng hóa lớn như: thanh long, cao su, điều, lúa. Đến nay, tỉnh đã xây dựng và hình thành được 18 mô hình liên kết đầu tư sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tập trung chủ yếu sản xuất nông sản.

                
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở xã Hàm Hiệp,    huyện Hàm Thuân Bắc. Ảnh: N.L

 Liên kết sản xuất, chế biến:  khả quan…

Phải nói từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn Bình Thuận thành lập mới 57 HTX, thì đã có 46 HTX giải thể vì yếu kém, hoạt động không đúng Luật Hợp tác xã. Hiện toàn tỉnh có 181 HTX và 1 Liên hiệp HTX, trong đó có 27 HTX và 1 Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thanh long; 60 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp  phục vụ vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân sản xuất lúa, rau, cây ăn quả. Tỉnh đã xây dựng và hình thành được 18 mô hình liên kết đầu tư sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tập trung chủ yếu trên lĩnh vực  sản xuất nông sản. Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến liên kết ổn định với các doanh nghiệp trong nước như Công ty TNHH E.KPTRIMA (Việt Nam) tiêu thụ trái thanh long xuất đi châu Âu 100 tấn/ năm; với giá bình quân ổn định 26.000 đồng/kg; hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VINECO tiêu thụ trái thanh long tại thị trường nội địa bình quân 1 tấn/ngày (tương đương 360 tấn/năm). HTX KD-DVNN Long Điền 1 - huyện Tuy Phong tham gia chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và Công ty giống cây trồng Nha Hố để cung cấp và tiêu thụ lúa giống xác nhận của thành viên. Công ty Sơn Hưng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với HTX Đức Phú, huyện Tánh Linh với diện tích 50 ha theo hướng doanh nghiệp đầu tư toàn bộ chi phí giống, vật tư, kỹ thuật và thu hoạch toàn bộ sản phẩm cho nông dân; HTX dịch vụ nông nghiệp Công Thành Đức Linh thực hiện liên kết sản xuất lúa nếp chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX và nông dân huyện Đức Linh và Tánh Linh với quy mô 1.500 ha/năm.

Hiện Bình Thuận đang xúc tiến, phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Group dự kiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thanh long an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị với quy mô diện tích 10.000 ha, trong đó có 60% sản xuất theo hướng GlobalGAP, 40 % sản xuất hữu cơ để phục vụ xuất khẩu; xây dựng vùng sản xuất thanh long của công ty với quy mô đầu tư 200 - 500 ha theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư 10 ha xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh và kho vật tư phục vụ sản xuất, tiêu thụ thanh long.

Bên cạnh liên kết sản xuất, chế biến nông sản cũng đang là thế mạnh nếu đầu tư đúng hướng, toàn tỉnh có 14 cơ sở áp dụng công nghệ mới sản xuất sản phẩm thanh long; 20 cơ sở đầu tư dây chuyền rửa thanh long bán tự động; có 11 cơ sở nước ép và rượu vang thanh long nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, tiêu thụ nội địa là chính; thanh long sấy khô có 2 cơ sở/70 tấn sản phẩm/năm đã xuất khẩu sang Mỹ; thanh long sấy dẻo (2 cơ sở/300 tấn thành phẩm/năm) nhưng chưa có thị trường xuất khẩu; kẹo thanh long (1 cơ sở/10 tấn/năm) tiêu thụ nội địa; 5/7 cơ sở hạt điều trang bị máy chẻ tự động, 4/7 cơ sở trang bị máy tách lụa và máy phân loại bằng phương pháp so màu. Thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đến nay đã triển khai thực hiện 9 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 theo Quyết định 16/2017/QĐ-UBND ngày 16/5/ 2017 nhằm hỗ trợ một phần vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị cho doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa; một số doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn tự có nhằm phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản, giữ vững và nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm.

Thách thức vẫn nhiều

Tuy nhiên, không chỉ có thuận lợi, việc tổ chức liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản của tỉnh còn có những khó khăn. Do khi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chủ động liên kết với các tổ chức nông dân, các mô hình phát triển liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm còn quá ít và chưa thật sự bền vững. Nông sản (chủ yếu thanh long) hiện nay được xuất qua thị trường Trung Quốc và chủ yếu qua đường tiểu ngạch, bị phụ thuộc và tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi khả năng xúc tiến sang các thị trường khác còn hạn chế do chất lượng nông sản chưa đảm bảo đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính, các doanh nghiệp xuất khẩu còn thiếu chủ động, chưa tích cực xâm nhập các thị trường này. Công tác kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm đầu vào, đầu ra chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vẫn còn lạm dụng quá mức phân bón, thuốc BVTV, công nghệ chế biến nông sản chưa hiện đại, các cơ sở chế biến tiêu thụ nội địa  có công nghệ sản xuất trung bình và lạc hậu, nhất là sản phẩm chế biến từ thanh long, số lượng, quy mô và công nghệ chế biến thanh long chưa đáp ứng được tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cần thiết phải đổi mới và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, gắn chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, kết nối liên xã, liên huyện, liên tỉnh. Qua đó, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả. Chuyển sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu ở quy mô hộ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giữa doanh nghiệp với tổ chức của nông dân. Riêng thanh long, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thanh long và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại sản phẩm như thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long, rượu vang thanh long, làm bánh, mứt, kẹo... nhằm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi.

Để làm được những điều trên, chính quyền địa phương cần tích cực tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; đồng thời nâng cao nhận thức người nông dân trong thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX, công tác hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp; tích cực hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký thương hiệu mặt hàng nông sản, tăng cường khả năng xúc tiến thương mại. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhằm ngăn chặn việc lạm dụng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm…

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên kết sản xuất, chế biến nông sản còn nhiều thách thức