Theo dõi trên

Người trồng tiêu Đức Linh điêu đứng vì tiêu chết

03/10/2018, 09:25

BT- Phó Bí thư Thường trực xã Tân Hà, huyện Đức Linh Nguyễn Văn Khải cho biết, trên địa bàn xã hiện có 70 ha/130 ha tiêu đến kỳ thu hoạch nhưng từ đầu năm đến nay xuất hiện triệu chứng vàng lá rụng dần rồi chết. Hiện tượng này đang còn tiếp diễn lan rộng sẽ lên 100 ha vào cuối năm.

Vườn tiêu xã Tân Hà bị nhiễm bệnh.

Toàn xã Tân Hà có hơn 200 hộ trồng tiêu, bình quân mỗi hộ trồng 5 - 6 sào, trước đây mỗi năm thu từ 30 – 40 triệu đồng; những hộ sở hữu nhiều trên 1 ha thu về cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây diện tích cây tiêu cứ chết dần, bà con cũng phun trừ thuốc cứu cây nhưng vẫn không ăn thua, tiêu thất thu quá lớn, không còn cho thu nhập. Nhiều gia đình không muốn chăm sóc… Ông Nguyễn Văn Khải (trước đây từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã) cho biết thêm, năm nay lượng mưa nhiều, mưa liên tục, nắng ít, độ ẩm trong đất cao nên thuận lợi cho các loại tuyến trùng và các loại nấm gây bệnh trong đất. Tuyến trùng xâm nhập làm cho bộ rễ bị thối hoàn toàn, cây tiêu chết nhanh. Nhiều trường hợp cây sinh trưởng chậm, lá nhỏ lại, vàng giống như thiếu phân, lâu ngày toàn bộ thâm đen thối mục khiến tiêu chết dần. Trong mùa mưa năm nay, những vườn tiêu của người dân bị hư hại lớn, xã khuyến cáo bà con đào bỏ đi trồng các loại cây ngắn ngày tạo nguồn thu khác. “Xã đã lập danh sách người dân bị thiệt hại nặng do cây tiêu chết, chuyển huyện, tỉnh xét hỗ trợ cho bà con để có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập bền vững hơn”, ông Nguyễn Văn Khải nói… Cùng với đó, người trồng tiêu ở các xã khác trong huyện như Đức Hạnh, Đông Hà, Trà Tân, Đức Tín… cũng đang lao đao do tiêu chết hàng loạt.

Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, toàn huyện có 1.550 ha tiêu bị thiệt hại. Trong đó 1.033 ha bị nhiễm bệnh chết nhanh có biểu hiện các mép lá hơi co lại chuyển sang màu vàng trước khi rụng chỉ khoảng 2 tuần. 522 ha tiêu bị mắc bệnh chết chậm, cây tiêu có biểu hiện lá úa vàng, rụng dần cùng thân, khoảng 2 – 3 tháng cây hoàn toàn khô héo. Bệnh chết nhanh do chủng nấm Phytophthora gây ra; bệnh chết chậm do tuyến trùng Meloidogyne incognita và nấm Fusarium solani gây hại. Phòng Nông nghiệp & PTNT lưu ý, bên cạnh ảnh hưởng mưa nhiều dễ gây nấm bệnh, khá nhiều diện tích tiêu trên địa bàn có mật độ trồng dày, kỹ thuật canh tác của người dân hạn chế, sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích nhiều khiến đất chai, rễ cây không phát triển bị thối, trở thành cửa ngõ cho nấm bệnh xâm nhập, gây hại. Diện tích cây tiêu toàn huyện hiện nay đã lên đến khoảng 2.000 ha, so với quy hoạch trồng cây này chỉ 1.500 ha. Phòng Nông nghiệp & PTNT khuyến cáo bà con nông dân sản xuất theo hướng bền vững, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tăng vi sinh cho đất, hạn chế tối đa cây tiêu nhiễm 2 loại bệnh trên... Được biết, Đức Linh đã thống kê số hộ với diện tích cây tiêu bị thiệt hại trên địa bàn toàn huyện, kiến nghị Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ cho hàng trăm hộ dân gần như trắng tay bởi cây trồng lâm bệnh mất trắng.

 T.Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người trồng tiêu Đức Linh điêu đứng vì tiêu chết