Theo dõi trên

Rắc rối thực hiện quy hoạch xây dựng 1/500 trong chăn nuôi

26/06/2018, 09:31

Bài 2: Cần thiết… để bảo vệ môi trường

BT- Thu ngân sách từ chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 6% số thu về thuế nộp ngân sách ngành nông nghiệp, chỉ vì phần lớn các trang trại xây dựng lên để cho đơn vị khác thuê lại nên tận dụng được ưu đãi thuế vùng khó khăn…

                
Ảnh: N.L

Thay thế bằng ĐTM ?

Theo lập luận của các chủ đầu tư  chăn nuôi, quy hoạch chi tiết 1/500 chỉ dành cho các khu chức năng đặc thù. Và tại Điều 24, Luật Xây dựng năm 2014 có nêu đến 8 khu chức năng đặc thù nhưng không có tên trang trại chăn nuôi. Ngoài ra, lúc này đây cũng gần kề thời điểm mà Luật Quy hoạch năm 2017 xác định Hệ thống quy hoạch quốc gia chỉ còn 5 loại là quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Có nghĩa các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm như Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 hay quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2015-2010 trên địa bàn tỉnh sẽ chấm dứt hiệu lực vào 31/12/2018. Vì thế, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với dự án chăn nuôi càng không có lý do gì để xây dựng. Vả lại, trong các dự án chăn nuôi cũng đã xây dựng ĐTM, tức đánh giá tác động môi trường với bản vẽ có đầy đủ các hạng mục công trình như nhà sát trùng xe, nhà sát trùng người, nhà đặt máy phát điện, bể nước ngầm, bể dự trữ nước, nhà ủ phân…rồi.

Có thể thay thế quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 bằng ĐTM như các chủ đầu tư đề nghị được không, theo những người chuyên ngành xây dựng là không. Vì quy hoạch chi tiết làm rõ ra những hạng mục không chỉ của ĐTM mà còn hoạch định chi tiết cả mặt bằng chung của dự án. Theo đó tính ra, phải có trên chục bản vẽ cụ thể, chi tiết trên nhiều mặt như đánh giá hiện trạng, hạ tầng kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường, lấy nguồn nước ở đâu, thoát nước thải ra sao…Nhờ có quy hoạch chi tiết này mà bảo đảm dự án không gây tác động xấu đến môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, vì tất cả đã chuẩn bị, tiên liệu trước khi đưa dự án đi vào hoạt động.    

Ít đạt chuẩn hơn nhiều…

Ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thời gian trước, vì để thu hút đầu tư nên ở tỉnh không bắt buộc các chủ dự án chăn nuôi heo phải làm quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Và trong cuộc kiểm tra tại tỉnh năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng  đã nhấn mạnh Bình Thuận phải khắc phục tình trạng này. Sau đó, với những dự án chăn nuôi có diện tích từ 5 ha trở lên, sở đều lưu ý phải làm quy hoạch chi tiết 1/500 mới đầy đủ thủ tục để cấp giấy phép xây dựng. Còn chuyện quy hoạch ngành chăn nuôi tại tỉnh sẽ hết hiệu lực vào 31/12/2018  thì đó là hết trên danh nghĩa của loại quy hoạch này, còn nội dung của nó vẫn góp phần vào quy hoạch tỉnh nên cũng rất cần quy hoạch chi tiết từng dự án. Riêng việc xác định trang trại chăn nuôi có thuộc khu chức năng đặc thù không, ông Thắng cho rằng đối tượng này thuộc điểm h, Điều 24, Luật Xây dựng năm 2014, tức khu chăn nuôi nằm trong “khu chức năng đặc thù khác”. Hơn nữa, mới đây Bộ Xây dựng đã trả lời thắc mắc tương tự từ Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh. Cụ thể, từ Công văn số 13 ngày 13/4/2018 của Bộ Xây dựng có đoạn: “Các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, khu nuôi trồng hải sản, khu chăn nuôi tập trung có khu vực xây dựng công trình quy mô từ 5 ha trở lên cần lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng”. 

Một nhà đầu tư trang trại chăn nuôi nói thật rằng việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 là theo xu hướng của các nước tiên tiến, bảo vệ tốt cho môi trường. Nhưng đồng thời đó cũng khó thu hút đầu tư…Tuy nhiên, nhiều người không đồng ý chuyện thu hút đầu tư ồ ạt trong chăn nuôi, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường như thời gian qua. Hiện toàn tỉnh có 44 cơ sở chăn nuôi đã được chấp thuận đầu tư, trong đó 32 cơ sở đã đi vào hoạt động nhưng tình trạng dân khiếu nại về môi trường bị ảnh hưởng do các trang trại này nhiều và liên tục. Tất nhiên, cũng có những trang trại hoạt động tốt, không gây ảnh hưởng môi trường nhưng nhìn chung, thu ngân sách từ chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 6% số thu về thuế nộp ngân sách ngành nông nghiệp, chỉ vì phần lớn các trang trại xây dựng lên để cho đơn vị khác thuê lại nên tận dụng được ưu đãi thuế vùng khó khăn…

    
      Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 6 năm 2012 – 2017) đã xử phạt vi   phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường 65 trường hợp, trong đó chủ   yếu từ các trang trại chăn nuôi heo. Riêng năm 2017, có 5 trang trại vì   xả nước thải vượt quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rắc rối thực hiện quy hoạch xây dựng 1/500 trong chăn nuôi