Theo dõi trên

Quản lý và bảo vệ rừng: Cần biện pháp mạnh tay

22/11/2017, 10:00

BT- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh rộ lên việc lấn chiếm đất rừng trồng thanh long tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (Hàm Thuận Nam) và một số điểm ở vùng giáp ranh giữa Bình Thuận - Lâm Đồng. Mặc dù các đơn vị chức năng đã có nhiều nỗ lực, nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra khá phức tạp.

                
Phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú    vẫn đang nóng.  Ảnh: T.Hà

Vẫn nóng về phá rừng

Tại hội nghị giao ban trực tuyến về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng do Chính phủ tổ chức mới đây, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện lập hồ sơ xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng 377 vụ, so cùng kỳ năm 2016 số vụ vi phạm giảm 163 vụ. Đặc biệt, qua theo dõi diễn biến tài nguyên rừng năm 2016, diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng trái phép là 14,03 ha. Riêng 10 tháng của năm 2017 xảy ra 8 vụ với diện tích thiệt hại 1,23 ha. Điểm nóng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép tồn tại trong nhiều năm qua chủ yếu ở vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, trong đó nổi lên tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật ở vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình (Bình Thuận) với huyện Di Linh, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng); huyện Tuy Phong (Bình Thuận) với huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Để giải quyết tình trạng trên, từ nhiều năm qua giữa 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng đã ký kết quy chế phối hợp giữa UBND cấp tỉnh, cấp huyện… và các chủ rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh. Quá trình triển khai giữa các cấp có tổ chức giao ban định kỳ, sơ kết nhằm rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, do rừng Bình Thuận giáp ranh vùng dân cư và đất nông nghiệp phía Lâm Đồng; khoảng cách địa lý, địa hình từ Bình Thuận sang vùng giáp ranh Lâm Đồng là đồi núi hiểm trở nên khó triển khai lực lượng kịp thời. Bên cạnh đó, mặc dù 2 tỉnh đã xây dựng một trạm liên huyện đặt ở vùng giáp ranh nhưng vẫn khó ngăn chặn triệt để.

Tại vùng nội tỉnh tuy không có trọng điểm phá rừng nhưng vẫn còn diễn ra tình trạng khai phá rừng, khai thác, lấn chiếm đất lâm nghiệp mức độ nhỏ lẻ. Trong đó nổi lên tình trạng lấn chiếm, tái chiếm sử dụng đất rừng đặc dụng trái pháp luật tại 2 Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú vẫn còn diễn biến kéo dài, phức tạp trong xử lý, thu hồi đất do quy hoạch 2 khu bảo tồn trước đây có xen đất sản xuất của người dân.

 Cần quản lý tốt diện tích rừng

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên hiện có, vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa lâu dài. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, với các giải pháp đồng bộ: chấm dứt khai thác gỗ rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên hiện có sang các mục đính khác; các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng phải khẩn trương hoàn thành trách nhiệm trồng rừng thay thế; không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, rừng ngập mặn; chống chặt phá rừng trái pháp luật có hiệu quả; từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất lượng rừng, nhất là phòng hộ đầu nguồn, ven biển.

Riêng Bình Thuận, mục tiêu của tỉnh thời gian tới là quản lý tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp phù hợp quy hoạch bảo vệ phát triển rừng và quy hoạch sử dụng đất của địa phương trong từng thời kỳ; giữ vững chất lượng và diện tích rừng tự nhiên hiện có. Trong đó, phấn đấu nâng độ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 43%; khoán bảo vệ rừng 168.184 ha; trồng rừng tập trung 18.338 ha… Tăng cường công tác kiểm tra, truy quét chống phá rừng và đề ra các biện pháp quản lý có hiệu quả diện tích rừng và đất lâm nghiệp vùng giáp ranh với các tỉnh, nhất là Lâm Đồng, không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm mới diện tích đất lâm nghiệp...  

         
      Diện    tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh đến cuối năm 2016 là 365.682,15    ha, gồm đất có rừng tự nhiên 286.830 ha và đất có rừng trồng thành    rừng là 28.050 ha; đất có rừng trồng chưa thành rừng 11.297,57 ha…Độ    che phủ rừng 40,3%. Theo quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bình Thuận, diện    tích rừng và đất lâm nghiệp có tổng diện tích hiện nay trên 354.000    ha.

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý và bảo vệ rừng: Cần biện pháp mạnh tay