Theo dõi trên

“Ốc đảo” cũng bị ô nhiễm

04/06/2016, 08:45

BT- Hòn Ghềnh (Hòn Lao) cách Mũi Né (Phan Thiết) chừng 1 km, là một hòn đảo nhỏ xinh đẹp, hoang sơ, chỉ có cây cỏ dại, ghềnh đá, nhiều loài chim biển sinh sống. Trên đảo không có nhà dân, không có người ở, chỉ có một ngôi miếu thờ ông Nam Hải, ngư dân vẫn thường đến hương khói quanh năm. Từ đất liền đi thuyền ra đảo chỉ mất chừng 15 – 30 phút.

Cách đây khoảng chục năm, chúng tôi có đến khám phá Hòn Lao. Môi trường đảo rất sạch, không một cọng rác, nước trong vắt có thể nhìn thấy tầng san hô dưới đáy. Đối diện với Mũi Né nhộn nhịp, phồn hoa, Hòn Lao như một “ốc đảo” biệt lập, hoang sơ, còn rất ít dấu chân du khách. Hôm ấy, sau khi đi phám phá một vòng quanh đảo, chúng tôi ngồi nghỉ chân trên một tảng đá lớn, trước khi xuống thuyền về lại đất liền, anh Ngô Minh Chính (chủ quản làng du lịch Siva, bây giờ là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bình Thuận) đề nghị mọi người thu gom tất cả vỏ lon, hộp xốp, bao nilon cho vào túi mang vào đất liền, không để lại rác trên đảo.

Dịp lễ 30/4 vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại Hòn Lao. Phong cảnh hòn đảo này vẫn đẹp và hoang sơ, không có người dân sinh sống. Nhưng có nhiều nhóm du khách đến cắm trại, câu cá, khám phá hòn đảo, nhiều nhóm ngồi ăn – nhậu vui vẻ ngay trên các tảng đá lớn. Đáng mừng là Hòn Lao đã được nhiều du khách cả nước biết đến. Nhưng đáng tiếc là môi trường hòn đảo đã bị ô nhiễm, rác vương vãi khắp các lùm cây, hang động, hốc đá, nào vỏ lon, chai, hộp xốp, túi nilon… Đây là “rác du lịch”, không phân hủy, du khách mang từ đất liền ra bỏ lại. Hòn Lao như một “địa chỉ mới” của Phan Thiết – Mũi Né, đang được nhiều người tìm tới khám phá, nên tôi sợ rằng mức độ ô nhiễm hòn đảo xinh đẹp này sẽ còn nặng hơn.

Phải chăng du lịch với ô nhiễm môi trường cứ như hình với bóng? Không hiểu sao khi nhìn những bãi biển ngập rác sau dịp lễ, tôi lại liên tưởng đến những bờ biển miền Trung đầy xác cá chết dạt vào. Dường như các vấn đề môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt nóng bỏng hơn trước rất nhiều. Cá chết hàng loạt làm ngư dân khốn đốn, du lịch đìu hiu… môi trường đã gắn liền với miếng cơm, manh áo. Những kẻ xấu cũng dùng chiêu bài “môi trường” để kích động người dân biểu tình, gây rối, kêu gào “cách mạng cá”.

Thế nhưng, các biện pháp bảo vệ môi trường vẫn như vài chục năm trước, chủ yếu hô hào khẩu hiệu, rất ít tác dụng. Chưa thấy ai bị phạt vì xả rác ra biển. Chưa thấy doanh nghiệp nào bị truy tố vì xả thải ra biển. Trong khi môi trường biển Việt Nam ngày càng xuống cấp, vì không có biện pháp bảo vệ cứng rắn.

Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam đang diễn ra trên khắp cả nước, với nhiều hoạt động ra quân thu gom rác trên các bãi biển; míttinh, diễu hành kêu gọi hành động bảo vệ môi trường biển và ứng phó biến đổi khí hậu… Trong hoàn cảnh vừa xảy ra sự cố môi trường biển ở duyên hải miền Trung, và trong lúc nhân dân cả nước đang ngóng chờ câu trả lời cá chết do đâu? Thì Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhắc nhở mọi người dân Việt Nam về trách nhiệm của mình đối với biển, đảo đất nước.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Ốc đảo” cũng bị ô nhiễm