Theo dõi trên

Trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

09/05/2018, 10:28

BT- Thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và là đòi hỏi chính đáng của mọi người. Vấn đề an toàn thực phẩm hiện đang được các cấp, các ngành và toàn xã hội hết sức quan tâm, được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương như: sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm bẩn diễn ra khá nghiêm trọng… Mới đây, đã xảy ra 2 vụ điển hình cho tình trạng trên là vụ sản xuất thuốc chữa ung thư bằng bột than tre ở Hải Phòng và vụ nhuộm cà phê phế phẩm vào dung dịch pin để trộn vào hạt tiêu làm thực phẩm ở Đắc Nông đã gây phẫn nộ trong dư luận.

Tại Bình Thuận, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khá phổ biến. Tổng kết 5 năm qua, ngành chức năng thống kê có đến 2.052 cơ sở bị xử lý vi phạm an toàn thực phẩm với số tiền phạt hơn 7,1 tỷ đồng. Một số vụ điển hình xảy ra trong những năm gần đây được dư luận quan tâm, như vụ ông T. ở thị trấn Phú Long, nhiều lần sử dụng thịt heo nái ươn thối giả thịt heo rừng để tiêu thụ trên địa bàn; vụ bà C. ở Đức Long, Phan Thiết sử dụng máy trộn bê tông để trộn a xít phosphoric (loại chất cực độc gây ưng thư đường ruột), phẩm màu công nghiệp với đường để làm đường mật vàng giả; vụ cơ sở giết mổ của bà T. tại Mương Mán có sản phẩm dương tính với chất cấm Salbutamon; vụ ông D. ở Phú Long dùng keo nhựa thông và sáp trong hoạt động giết mổ vịt, gà…

Có thể nói thực phẩm bẩn hiện nay như “mê hồn trận”, đang là mối quan tâm và lo ngại nhất của mọi người. Bức xúc của dư luận chính là bởi nhiều người, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chạy theo lợi nhuận, dẫm đạp lên quyền lợi của người tiêu dùng, ngang nhiên sản xuất, buôn bán các loại thực phẩm độc hại mà người tiêu dùng không thể biết. Để là “người tiêu dùng thông thái” không phải dễ, bởi nhiều người trong bữa ăn hàng ngày không biết tìm nguồn thực phẩm sạch ở đâu, ai chứng minh hay kiểm nghiệm giúp họ là thực phẩm sạch hay bẩn? Chính vì vậy cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thì phải có những giải pháp để nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, cần tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn. Cùng với tuyên truyền cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các hàng quán phục vụ khách du lịch. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Giải pháp căn cơ là chính quyền, ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp xây dựng triển khai chuỗi liên kết an toàn thực phẩm để  đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Khuyến khích chính quyền địa phương, doanh nghiệp đầu tư cải tạo chợ, xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp, hải sản an toàn cũng như việc quảng bá, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản an toàn.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm