Theo dõi trên

Đời lưu lạc

14/07/2021, 10:56

BT- … 2 tháng qua, gánh hát ca nhạc cải lương của chị Tuyết gần như không hoạt động được. Vài thành viên đã không trụ nổi bỏ về quê. Còn lại 7 con người tá túc dưới gầm sân khấu, đợi đợt dịch trôi qua. Mọi thứ gần như kiệt sức… Chị Tuyết quẹt nước mắt. Những vở diễn trên sân mua vui, không thể che nổi những vết hằn của chất chì trong phấn son đã ăn sâu trên từng gương mặt. Dịch Covid -19, đã đưa họ đến đường cùng của khó khăn.

Chị Tuyết (góc trái) trưởng gánh hát quây quần cùng các thành viên.

Dưới gầm sân khấu

Biết đoàn hát qua đồng nghiệp, tôi tìm đến bãi đất hoang ở khu Văn Thánh 3, phường Phú Tài, TP. Phan Thiết, nhưng người dân ở đó cứ sợ sệt không dám chỉ đường. Nhiều người còn hỏi ngược lại tôi chung một câu hỏi: Bộ thiếu tiền em hả? Tôi lắc đầu. Họ vẫn dõi theo bằng ánh mắt đầy hoài nghi. Cuối cùng, cũng đến được cái sân khấu hơn 10 mét vuông, được phủ bởi những tấm bạt chẳng lành lặn. Chính vì phủ bạt và tèm nhem đến mức không ai nghĩ ở dưới những lớp bạt kia là 7 số phận con người đang tá túc.

Chị Tuyết bước ra khỏi gầm sân khấu đón tôi, với bộ đồ thun giản dị, ngạc nhiên vì không biết có chuyện gì. Tôi trấn an: “Em chỉ đến hỗ trợ anh chị vài bữa chợ, lúc này”. Sao em biết? Rồi chị cười, nụ cười hiếm hoi suốt cả buổi trò chuyện. Chị Tuyết trầm ngâm: “Ngót 2 tháng rồi em, về đây, được chính quyền cấp phép cho gánh hát hoạt động, thì dịch tới không được diễn. Về cũng không được, ở cũng không xong. Một chuyến xe đưa cả gánh về Nha Trang thì chi phí cũng hết 5 triệu đồng rồi, mà giờ tiền đâu nữa mà về?! Về tiếp tục cách ly, càng khó khăn hơn thôi”.

Gánh hát của chị có tên Đoàn ca nhạc cải lương Phương Ánh Tuyết, với “biên chế” gồm 8 thành viên, vào Phan Thiết từ ngày 23/4/2021, được biểu diễn ở phường Phú Tài (Phan Thiết) vài ba bữa thì có dịch. Chị Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 16 tuổi đã rong ruổi theo các gánh hát ca nhạc cải lương “rày đây mai đó”. Khi đó, còn nhỏ chị chỉ có nhiệm vụ bán vé. Có lần đoàn xuống miền Tây diễn, tình cờ quen được anh kép hài rồi đi theo từ đó, đói no đùm bọc lẫn nhau rồi có với nhau 2 người con gái. Chúng trưởng thành, anh chị vẫn cứ rong ruổi nay tỉnh này 1 tháng, tỉnh kia 1 tháng, cứ xoay vòng khắp từ miền Trung đến miền Nam.

Cả 7 thành viên còn lại thay nhau bảo bọc, họ sống trước hiên nhà và dưới gầm sân khấu, với tấm bạt cao hơn mét, chia từng ô, nằm sát nhau như phơi cá. “Đêm nào mưa phải chờ tạnh mới ngủ. Ban ngày mấy người đàn ông đi câu được mớ cá rô phi, thì cả gánh hát có được bữa cháo, dư vài con xẻ phơi”- chị Ly chỉ 2 bị cá khô tòn ten trên tấm bạt rách, bốn bề trống hoắc.

Bé Gia Hân – thành viên nhí của gánh.

 “Cầm hết rồi…”!

Từ lúc nghỉ diễn vì dịch, 2 thành viên trong đoàn không cầm cự nổi đã phải rời đi. “Sao giữ được em, mình làm trưởng đoàn mà không lo nổi cho anh em, thì để người ta về. Chị không còn gì rồi, có gì cầm hết rồi để lo cơm nước, cầm cự. Cái máy chứa nhạc beat cho anh em diễn chị cũng cầm rồi, để lo cái ăn trước đã”.

Ngồi bên cạnh chị Tuyết là Thảo Ly – cũng là một thành viên nữ trong gánh hát. Nhìn bề ngoài, chắc khó hình dung được chị cũng là cô đào của gánh. Chị bế bé gái trạc hơn 2 tuổi trên tay, gọi là cháu ngoại thật ra bé gái này là con của thành viên trong gánh hát. Ba mẹ bé đi đâu, chẳng ai biết được.

Chị Tuyết đưa tay kéo cái khẩu trang quẹt ngang dòng nước mắt: “Mấy chục năm rong ruổi, không dư dả nhưng đủ ăn. Lần đầu tiên cả gánh hát đối mặt với cái khổ cùng cực. Bữa trước, có mấy chị đến cho quà với ít tiền chị chia cho anh em người vài trăm ngàn đồng, còn lại để dành đi chợ, mua 2 tấm bạt mới phủ dàn âm thanh, chứ mưa xuống coi như xong, thà mình ướt”- chị nói. Có thể khó tin, nhưng đối với gánh hát nhỏ như gánh hát của chị, thì dàn âm thanh là khối tài sản to lớn nhất, nuôi sống bao nhiêu con người.

Mỗi người một ô dưới gầm sân khấu.

Chồng chị Ly, khi chúng tôi đến ngồi trầm ngâm trong góc gầm sân khấu. Anh chẳng nói một lời nào. Trước gặp chị Ly rồi gá nghĩa theo vợ lạc trôi tứ xứ. Khổ cùng cực. Anh cũng lặng thinh, không một lời oán trách. Khi gánh hát rơi vào khó khăn, anh đi tìm việc nhưng chẳng ai thuê. “Người ta thấy lạ, cũng chẳng dám thuê mình”- anh nói. Có hát, có diễn mỗi đêm thu nhập cũng hơn triệu đồng. Anh em trong gánh hát chia nhau mà sống. “Mỗi đêm khoảng 2 tiếng rưỡi, 30 phút đầu ca nhạc. 2 tiếng sau là các trích đoạn cải lương. Tụi chị không bán vé, chỉ có thùng quyên góp. Bà con cho nhiêu ghi tên, rồi đọc 2 lần để tri ân. Vậy mà vui em à! Có hát có diễn là vui lắm. Đi đâu cũng nhờ tình thương của bà con, chứ bán vé ai mà xem”- chị Tuyết chia sẻ.

Nhìn tờ giấy ghi tên những vở tuồng chỏng chơ trên cái bàn cũ, nào “Phạm Công Cúc Hoa”, “Hai mươi năm ly loạn”, “Nhạn Nam sầu én Bắc”, “Nước mắt nàng dâu”, “Oan khúc ly tình”… của gánh mang đi phục vụ. Giờ đây, cơ hội hóa thân cũng không thành, họ phải sống cuộc đời thật, sau phấn son, xiêm y khóc cười trên sân khấu, là bàn bạc thiếu trước hụt sau. Nhìn lại cái khoảng sân nhà, dưới gầm sân khấu khi rời đi, chỉ dám mong một điều lúc này, dịch bệnh được khống chế để họ còn được sống với vai diễn và nuôi lấy mình, mua vui cho đời.

Phóng sự: Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đời lưu lạc