Theo dõi trên

Hàm Thạnh và những dáng đá vọng phu

21/09/2018, 09:08 - Lượt đọc: 12

 BT- “Nếu một mai cha về có hỏi

Mẹ ở đâu? Con trả lời sao?

Con sẽ chỉ ra cây đào nhỏ

Bên cây tùng rồi đứng lặng yên…”

(Thơ Thanh Tịnh)

Tôi đang đi trên một vùng đất mà có thể nói cứ dừng xe bất kỳ chỗ nào cũng đều có những trận đánh từng diễn ra. Việc khoan xuống các vỉa tầng ký ức để chạm hồn cốt tâm linh của một vùng đất là việc làm của nhà văn lớn, tôi chỉ là người làm báo nhỏ lang thang ghi chép lại những cảm nhận riêng mình qua những gì mình biết được, nghe kể lại mà thôi. Và lịch sử vùng đất này, với những cái tên Cà Gằng, Bàu Muống, Suối Chinh, Ruộng Vỡ… đã đem đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, đất ở đây không chỉ là đất, đất là máu người, là xác người, đất là những mảnh đời góa bụa, đớn đau, những tiếng khóc thét bơ vơ, lạc loài, những trộn lẫn nước mắt và những niềm hạnh phúc chưa bao giờ trọn vẹn. Và chồng chồng lớp lớp trên đất, trong đất, cùng đất là trăm ngàn dấu chân những người trai một đi không trở lại.

                
Hỏi thăm sức khỏe và tặng quà Mẹ Việt Nam    anh hùng (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: T. T

Tôi có một thú đam mê là chơi đá cảnh nguyên bản, do vậy sau những lúc giải quyết tạm ổn công việc, tôi thường dành vài phút cho việc nhìn ngó, sưu tầm những viên đá đẹp dọc theo sông suối. Trưa nay, mấy viên đá hình người đàn bà ngồi, mắt dõi về xa xăm vừa nhặt được đã làm tôi xúc động, xúc động vì sự liên tưởng do thần thái của đá liên quan đến con người ở đây gợi nên hơn là do những xâm thực tự nhiên. Sao ở đây lại nhiều quá những viên đá vọng phu?! Đó không phải là câu hỏi mà là một câu cảm thán bật lên từ tâm hồn khi tôi đang đi trên vùng đất Hàm Thạnh, nơi có quá nhiều phụ nữ chờ chồng chờ con đến mòn mỏi, đến gục xuống và mãi mãi họ đã không trở về.

Tôi nhớ mẹ Trần Thị Lý anh hùng, người đàn bà có 3 con đều lên đường tham gia kháng chiến và không bao giờ quay về với mẹ nữa, một phụ nữ có chồng làm liên lạc chết đến hai lần, lần thứ nhất bị phục kích, lần thứ hai bị đào mả phanh thây để răn đe phong trào cách mạng. Tôi cứ hình dung đôi mắt đau đớn, đôi mắt chờ đợi đến vô vọng và cái dáng mảnh khảnh với búi tóc vàng xơ sau lưng, mãi mà tôi không thoát ra được hình dung ám ảnh đến trái tim rướm máu của những lần nhận tin từng người con đã lần lượt hy sinh của mẹ. Anh Lê Văn An, tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 482, nằm xuống ngày 11/11/1967. Chị Lê Thị Lùn 19 tuổi tham gia quân giải phóng, tin dữ bay về báo mẹ đã mất con vĩnh viễn vào ngày 27/7/1970. Con gái Lê Thị Liên của mẹ 17 tuổi thoát ly, thuộc đại đội 115, Quân khu VI, vừa chớm tuổi 21, mẹ chưa kịp gửi cho con chai dầu dừa để gội mái tóc dài, con gái của mẹ đã trúng đạn hy sinh trên chiến trường Hàm Liêm. 5 năm trông ngóng, chờ đợi, nghe tiếng gió khua vách lá cũng tưởng chồng con trở về, nghe tiếng bước chân ai ngang qua cũng giật mình đánh thót tưởng được ràn rụa nước mắt đoàn tụ với những người thân yêu nhưng rồi thời gian cứ nghiệt ngã trôi qua, nước mắt đã lặn khô vào trong, chỉ còn đôi mắt hút sâu đầy gió…

Tôi nâng hòn đá vọng phu bé nhỏ trên tay mà cứ ngỡ đang trang trọng nâng một biểu tượng của lòng hy sinh và chịu đựng đớn đau đến tận cùng của những người phụ nữ Hàm Thạnh. Mà nơi đây đâu chỉ có mẹ Trần Thị Lý, mẹ Ngô Thị Mười cũng có 3 người con tham gia kháng chiến và cả 3 đều trở thành liệt sĩ, mẹ Nguyễn Thị Mức, một đảng viên kiên trung, chồng hy sinh, con trai lên đường trả thù cho cha, người con trai duy nhất ấy 16 tuổi tham gia đội công tác, 17 tuổi đã vĩnh viễn ra đi… Mẹ Nguyễn Thị Nang có con độc nhất là liệt sĩ. Mẹ Đoàn Thị Năm 3 con là liệt sĩ. Mẹ Lê Thị Năm có chồng và 2 con là liệt sĩ. Mẹ Phạm Thị Ngàn 3 con là liệt sĩ. Mẹ Phạm Thị Nhị 3 con là liệt sĩ. Mẹ Huỳnh Thị Nhiều 3 con là liệt sĩ. Mẹ Huỳnh Thị Sáu 3 con là liệt sĩ. Mẹ Cao Thị Tại 4 con là liệt sĩ…

Và nhiều, nhiều nữa, không biết viết sao cho hết, cho đúng, cho đủ những hốc mắt đầy gió vì đợi chồng, ngóng con của những bà mẹ Hàm Thạnh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ai đó đã từng nói, các anh chị nằm xuống cho đất nước đứng lên là nói đúng trên tinh thần quật khởi của dân tộc, là nói đúng về ý nghĩa của sự hy sinh vì lý tưởng nhưng đằng sau tất cả những vinh danh, đằng sau tất cả những chiến tích, đằng sau tất cả những oanh liệt, quật cường ấy, đằng sau tấm huân chương là nước mắt, là ngàn vạn đôi mắt, là ngàn vạn dáng ngồi ngóng đợi đến hóa đá của những bà mẹ, của những phụ nữ một đời được viết bằng những cơn vật vã đớn đau, một đời được viết bằng những mím môi nuốt nước mắt vào trong, một đời được nối dài bằng những chiếc cầu sinh tử nghiệt ngã.

Đó không phải là cổ tích. Đó là lịch sử, những trang sử cần được trân trọng, cần được hiểu như một phần không thể thiếu của vùng đất Hàm Thạnh, nơi mà ta dừng chân bất cứ chỗ nào cũng đều có những trận đánh, những con người ngã xuống, những máu và nước mắt của một thời đã qua. 

Tùy bút: Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thạnh và những dáng đá vọng phu