Theo dõi trên

Chăm lo người dễ “tổn thương”

04/12/2018, 09:19

BT- LTS:  Dù chỉ một ánh mắt lạnh nhạt hay một hành động xa lánh cũng khiến những người có quá khứ nghiện ngập, tội lỗi, bị nhiễm HIV/AIDS... chạnh lòng, bất cần cuộc sống. Với những cách làm sáng tạo, nhiều đơn vị, tổ chức đã biết chăm những người dễ bị “tổn thương” ấy hiệu quả...

Hãy hành động để đạt được mục tiêu 90 - 90 – 90

Ở Bình Thuận, từ người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1994, đến nay đại dịch này đã có mặt ở 115/127 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, lũy tích đã phát hiện 5.964 người nhiễm HIV. Công tác phòng chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, rộng khắp, cao điểm là Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS diễn ra từ ngày 10/11 đến 10/12 với chủ đề: Hãy hành động để đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90.

                
Ảnh minh họa

Từ truyền thông, tư vấn, can thiệp

Truyền thông để thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là những nhóm người có hành vi nguy cơ cao được coi là giải pháp chính, quan trọng hàng đầu để thực hiện mục tiêu không còn sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, từ đó phấn đấu để đạt 90% số người nhiễm biết về tình trạng bệnh của mình. Những nội dung tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS được lồng ghép vào cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương thông qua phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12, tháng truyền thông phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hàng năm, nhiều hoạt động đã được tổ chức để thu hút đông đảo người dân nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham dự. Các dịch vụ về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được cung cấp rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở.

Ở các cơ sở y tế, công tác tư vấn được triển khai nhằm tăng cường tư vấn trước và sau xét nghiệm, tư vấn cho các bà mẹ mang thai, tư vấn cho bệnh nhân AIDS, tư vấn cho bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Số người đến tư vấn xét nghiệm tự nguyện ngày càng tăng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã có 2.558 phụ nữ có thai được tư vấn xét nghiệm HIV.

Từ cuối năm 2013 đến nay, Bình Thuận đã đưa vào hoạt động 5 cơ sở điều trị methadone tại thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Đức Linh cùng với 5 điểm cấp phát thuốc ở Mũi Né, Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Chí Công. Tính đến nay đã có 1.443 người nghiện đăng ký uống thuốc tại những nơi này. Đây là một giải pháp can thiệp giảm tác hại được xem là hiệu quả, mở ra cơ hội cho những người đã một thời lầm lỡ thoát khỏi “cái chết trắng”, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội giúp người nghiện ma túy làm lại cuộc đời và giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình có người nghiện.

 Đến quản lý, chăm sóc và điều trị

Quản lý, chăm sóc và điều trị tốt người nhiễm HIV/AIDS là để hướng tới mục tiêu 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV. Hiện tại toàn tỉnh đã có 6 cơ sở điều trị HIV cho người lớn và trẻ em đang quản lý theo dõi, điều trị cho hơn 747 người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài việc khẳng định tình trạng nhiễm HIV, khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản nhằm phát hiện sớm một số nhiễm trùng cơ hội hay gặp trên người nhiễm HIV/AIDS, khám định kỳ, cung cấp thuốc Co-Trimoxazole để điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, dự phòng lao cho bệnh nhân HIV/AIDS theo chỉ định; các cán bộ y tế còn tư vấn cho bệnh nhân thực hiện sống tích cực, giảm nguy cơ lây truyền cho người khác, thông báo tình trạng nhiễm HIV cho bạn tình, bạn chích chung... hoặc chuyển tiếp người bệnh tới các chương trình khác như lao, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Công tác điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS cũng được triển khai đồng bộ theo mô hình chăm sóc toàn diện để đạt mục tiêu 90% người bệnh điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền sang người khác. Chăm sóc toàn diện gồm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị như phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hoạt động giới thiệu chuyển tiếp khám và điều trị lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Quy trình phối hợp điều trị lao và HIV cũng triển khai và thực hiện có hiệu quả. Theo đó, tất cả bệnh nhân HIV khi đến khám đều được sàng lọc lao, nếu phát hiện có đồng nhiễm lao thì được giới thiệu sang Bệnh viện Lao và bệnh phổi để được điều trị phối hợp. Ngược lại, bệnh nhân khi đến khám lao nếu nghi ngờ nhiễm HIV thì đều được xét nghiệm nhanh, nếu dương tính kết quả đó sẽ được gửi sang Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS để khẳng định. Khi có kết quả khẳng định dương tính với HIV thì bệnh nhân sẽ được giới thiệu sang phòng khám ngoại trú của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS để được tư vấn và điều trị song song lao và HIV/AIDS.

Nhờ thực hiện đồng bộ các hoạt động như vậy mà liên tục từ năm 2012 đến nay tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng không tăng và giữ ở mức dưới 0,25%. Đây là kết quả quan trọng để Bình Thuận hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 như đã đề ra. 

    
    Mục tiêu 90-90-90: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV   của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số   người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để   sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.

Hà Tuân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chăm lo người dễ “tổn thương”