Theo dõi trên

Nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng rất cao

03/11/2017, 10:32

BTO- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam vừa có công văn Hỏa tốc vào lúc 18h ngày 2/11gửi các địa phương, ngành chỉ đạo những công việc cần làm ngay trong ngày 3 và 4/11 để đối phó với cơn bão số 12.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, khả năng bão số 12 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh nam Trung Bộ, Nam Bộ vào khoảng ngày 3 - 4/11/2017. Đồng thời một đợt không khí lạnh mạnh sẽ tăng cường xuống phía Nam. Do ảnh hưởng kết hợp của 2 loại hình thời tiết nguy hiểm này nên từ ngày 3/11/2017 sẽ có nguy cơ xảy ra một đợt mưa đặc biệt lớn và kéo dài. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tổng lượng mưa phổ biến từ 100 – 150mm, vùng núi có nơi đến 250mm. Nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng là rất cao. Các địa phương, sở ngành, đơn vị cần triển khai nghiêm túc một số nội dung sau:  Các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 01/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ. Đặc biệt là Thông báo khẩn 7 số 342/TB-UBND, hồi 10 giờ 00’ ngày 02/11/2017 của UBND tỉnh về chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 12 (sau cuộc họp trực tuyến sáng ngày 2/11). Không chủ quan, thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ. Cấm tàu thuyền ra biển hoạt động. Các địa phương, sở, ngành chủ động theo dõi thông tin diễn biến của bão, phối hợp với các thành viên UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh được phân công xuống các địa bàn phụ trách để chủ động chỉ huy, chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó, phòng tránh bão cụ thể. Bảo đảm an toàn trước, trong và sau bão. Các địa phương rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển tàn phá; các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở; chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở. Kiểm tra, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực ngập lụt, sạt lở. Hướng dẫn người dân chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, có phương án vận hành hồ chứa nước an toàn, chủ động điều tiết sớm qua tràn hạ thấp cao trình đón lũ theo quy trình vận hành hồ chứa, không gây lũ chồng lũ vùng hạ du khi xả lũ hồ, giảm tối đa thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du công trình; bảo đảm an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi. Lực lượng vũ trang: Quân sự, Công an, Biên phòng và các đơn vị được phân công chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư, lực lượng hỗ trợ các địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh: Đã chỉ đạo cho các đồn biên phòng thực hiện lệnh cấm biển từ lúc 09 giờ 00’ ngày 02/11/2017. Kiên quyết xử lý các phương tiện vi phạm, sẵn sàng cơ động, cưỡng chế các phương tiện không chấp hành lệnh cấm ra biển hoạt động. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh, thông báo kịp thời cho chính quyền và đến mọi người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận thông báo liên tục các bản tin diễn biến về bão đến các địa phương, các ngành và nhân dân trong tỉnh biết, để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả.

Được biết, sáng nay ngày 3/11, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh được phân công phụ trách địa bàn các địa phương (theo Quyết định số 59/QĐ-PCTT ngày 10/4/2017 của Ban Chỉ huy) đã và đang triển khai xuống các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát các phương án, kế hoạch, vùng trọng điểm, ngập lụt, sạt lở, an toàn tàu thuyền, sản xuất nông nghiệp,... chủ động điều hành, chỉ đạo công tác ứng phó, phòng tránh hiệu quả…

Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng rất cao