Theo dõi trên

Sắc xanh Khu Lê

24/01/2017, 08:20

 BT- Dạo này, câu chuyện biến đổi khí hậu ngày càng mang tính thời sự ở mọi ngóc ngách bàn về sản xuất và đời sống. Nó đã trở thành chuyện đại sự quốc gia khi tìm cách thích ứng. Khắc phục và thích ứng với biến đổi khí hậu đã trở nên cấp bách. Trồng rừng phòng hộ ở Khu Lê Hồng Phong để chống cát bay, cải thiện môi trường khí hậu là điển hình mà chúng tôi muốn đề cập nhân ngày đầu xuân.

                
Cán bộ, nhân dân Hòa Thắng ra quân trồng    rừng năm 2015. Ảnh: Đình Nhượng

 Rừng đặc thù duy nhất ở Việt Nam

Địa danh Khu Lê khi nói ai cũng biết trong hai cuộc kháng chiến, sự khốc liệt của chiến trường này không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn tàn phá rừng tự nhiên. Hậu quả là sau giải phóng nơi đây trở thành vùng đất cát bán di động, sa mạc ven biển. Bão cát luôn là nỗi ám ảnh của người dân Hòa Phú, Hồng Phong (Bắc Bình). Khôi phục rừng bị tàn phá đã khó, trồng lại rừng trên sa mạc cát để chống cát bay  muôn vàn khó khăn.

Anh Lê Châu Thành – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong (Ban QLRPH Lê Hồng Phong) chia sẻ: Rừng Lê Hồng Phong (trước đây gọi là rừng Nhu), là dạng rừng khô hạn ven biển, rừng đặc thù duy nhất ở Việt Nam. Do đặc thù và chưa có tiền lệ trồng rừng, nên trồng xuống là cát bay phủ lấp và gặp khô hạn thì không cây gì sống nổi. Năm 1992, giáo sư Lâm Công Định nghiên cứu trồng thử 7 ha cây phi lao ở khu du lịch Bàu Trắng hiện nay, cây đã sống tốt nhưng nhân rộng trên đồi cát thì tỷ lệ cây sống đạt rất thấp, chỉ từ 30 – 40%. Sau này Viện Giống cây trồng lâm nghiệp miền Nam nghiên cứu giống cây phi lao chịu hạn tổ chức trồng năm 2002 nhưng kết quả vẫn không cao. Năm 2004, Ban QLRPH Lê Hồng Phong được thành lập, đã triển khai khoanh nuôi trồng các cây bản địa gồm gõ biển, cóc nước, me nước, đỏ ngọn và trồng phi lao, xoan chịu hạn, keo lá liềm trên đồi cát. Tuy hiệu quả tỷ lệ cây sống có nhích lên con số 50 – 60%, nhưng qua thời gian cây vẫn phát triển kém.

 “Bắt mạch” lòng cát

Không chịu thua, 3 kỹ sư lâm sinh của Ban QLRPH Lê Hồng Phong đã nghiên cứu, tìm tòi và đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm. Kỳ tích bắt đầu từ năm 2009 qua áp dụng kỹ thuật trồng mới. Hố trồng cây phải đào rộng và sâu hơn những nơi khác để bỏ được nhiều phân và “cắm” chặt cây xuống lòng cát. Điều đặc biệt trồng cây phải có hạt polyme, đây là hạt tích nước. Hạt này sẽ hút nước, giữ độ ẩm gấp 200 lần rồi nhả nước nuôi cây trong thời gian không có mưa. Nếu không có hạt polyme thì cây giống tốt cỡ nào trồng xuống cũng kém phát triển hoặc chết dần. Từ đây tỷ lệ cây sống được  nâng lên từ 85 – 90%, thích hợp là cây phi lao, keo lưỡi liềm, keo lai hom, keo lá tràm. Kinh nghiệm trồng rừng ở đây còn là tranh thủ  thời tiết mưa bão, áp thấp nhiệt đới để xuống giống cây nhằm giữ nhiều độ ẩm. Trồng cây theo hình thức cuốn chiếu từ thấp lên đồi cao để tăng dần độ ẩm phủ xanh. Tùy loại đất cát để chọn giống cây trồng rừng  thích hợp, như cây keo lai trên vùng đất cát cố định, trồng lại trên diện tích rừng sau khai thác; phi lao và xoan chịu hạn trên vùng đất cát bán di động, sa mạc để ngăn chặn cát bay, cát nhảy.

Để nhanh phủ xanh đồi cát, Ban QLRPH xin chủ trương cho dân tham gia trồng rừng và giao khoán bảo vệ rừng. Lúc này người dân hồ hởi lắm vì trồng rừng có tỷ lệ cây sống đạt cao, vừa có thu nhập vừa phủ xanh đồi cát để trồng xen canh đậu, mì và lợi ích lâu dài hơn tạo môi trường sống trong lành, cải thiện tiểu khí hậu vùng.

 Thông điệp xanh

Nếu có dịp đi từ Lương Sơn về Hòa Thắng trên con đường nhựa phẳng lì uốn cong tuyệt đẹp, bạn sẽ bất ngờ hai bên đường không còn là những đồi trọc nhấp nhô cát trắng lóa mắt mà là xanh ngắt một màu. Còn tuyến đường ven biển từ km số 10 ở Hòa Thắng đi Hòa Phú lại là biển một bên và rừng một bên. Đây thật sự là điều kỳ diệu từ bàn tay, khối óc con người. Từng là rừng bị tàn phá trong chiến tranh, sau giải phóng rừng tiếp tục cạn kiệt do sinh kế, nhưng chỉ sau 14 năm khởi sự trồng rừng và quyết liệt giữ rừng của Ban QLRPH Lê Hồng Phong, rừng Nhu đã khoác áo mới, vùng đất cát bán di động đã thôi cát bay, cát nhảy để màu xanh kéo dần phủ kín. Minh chứng cho điều này, rừng phòng hộ được trồng mới 1.361 ha, cộng diện tích rừng tự nhiên được phục hồi lên con số 7.070 ha. Rừng sản xuất trồng mới trên vùng đất cát bán di động 1.996 ha, cộng diện tích vùng đất cát có rừng tự nhiên được khôi phục lên con số 5.745 ha. Toàn vùng  rừng phòng hộ Lê Hồng Phong đất trống chưa có rừng đã thu hẹp chỉ còn 2.430 ha.

Mùa xuân là mùa của phục sinh và sáng tạo. Đất nước ta, chính ta và cả thế giới chỉ có thể phát triển, đâm chồi nẩy lộc, nếu chúng ta có những mùa xuân tái sinh và sáng tạo. Ban QLRPH Lê Hồng Phong chính là tập thể sáng tạo để đem lại mùa xuân cho sự phát triển, nỗi khát khao cho cuộc sống xanh.

Phương Đại



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắc xanh Khu Lê