Theo dõi trên

Khá lên từ nghề trồng mai

11/01/2023, 10:10

Nhìn vườn mai kiểng bạt ngàn xanh tốt, cành lá sum sê, được cắt tỉa tán đẹp, gọn gàng, càng lôi cuốn tôi tò mò tìm hiểu nghề trồng mai vàng phục vụ nhân dân vui xuân đón Tết Nguyên đán.

Vào một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm vườn mai kiểng của gia đình anh Trần Văn Minh ở xã Phan Tiến, huyện Bắc Bình. Dẫn chúng tôi đi xem vườn mai đang trồng trong khu đất sỏi đá, anh Minh thổ lộ: Tôi đam mê nghề trồng mai kiểng khi còn nhỏ tại quê nhà An Giang. Nhưng do nhà nghèo đất đai chật hẹp, không có điều kiện đầu tư phát triển nghề trồng mai kiểng. Đến năm 2010, vợ chồng anh đã mạnh dạn di cư ra xã Phan Tiến mua 1,1 ha đất vườn đầu tư trồng mai kiểng, phục vụ cho nhân dân trong tỉnh chơi tết. Mới đầu vốn ít, anh Minh chỉ nhân giống đầu tư trồng 1.000 gốc mai kiểng giống trâu của Phan Tiến. Đây là một trong những loài mai kiểng của địa phương, có đặc trưng chịu nắng gió, bông to, nhị cao, lộc đỏ, hoa thơm, có từ 5 đến 8 cánh, giữ được màu vàng tươi lâu. Khách hàng các nơi trong tỉnh rất ưa thích loài mai chưng tết này, nên năm nào gần đến tết cũng vào tận vườn nhà anh lựa chọn, đặt mua về chơi tết. Thấy giống mai được nhiều người ưa thích, từ năm 2014 đến nay, anh tiếp tục nhân giống đầu tư trồng thêm 2.000 gốc, nâng tổng số gốc mai kiểng trong vườn nhà lên 3.000 gốc. Hàng ngày, anh chịu khó nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng quy trình kỹ thuật, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, khí hậu của vùng miền núi. Suốt ngày anh cặm cụi ngắm nghía cắt tỉa tán từng gốc mai kiểng theo sở thích của khách hàng.

trong-mai.jpg

Để tiết kiệm nguồn nước tưới, ngày công lao động, anh đã đầu tư khoan giếng, lắp đặt hệ thống nước tưới phun sương, tưới nhỏ giọt dưới từng gốc mai kiểng. Tùy theo thời tiết từng mùa để thực hiện quy trình tưới nước, bón phân cho vườn mai kiểng phù hợp, phát triển xanh tốt. Vào mùa nắng, mỗi tuần chỉ tưới cho vườn mai kiểng 1 lần, còn mùa mưa không cần phải tưới nước. Mỗi năm anh đầu tư bón phân lân, phân NPK 2 lần và khi vườn mai kiểng ra lá non phải kịp thời xịt thuốc phòng trừ các loại sâu bọ trĩ, sâu xám, sâu đục thân, nhện đỏ. Những gốc mai kiểng to bự phát triển xanh tốt anh giữ lại để lấy hạt nhân giống mở rộng vườn và bán hạt giống mai cho nhân dân trong tỉnh để gieo trồng với giá 200.000 đồng/kg. Theo kinh nghiệm của anh, đến tháng 11 âm lịch cần phải hãm, ngưng tưới nước cho mai và đến ngày 10 tháng chạp âm lịch thì bắt đầu tuốt lá từng gốc mai để ra búp nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Sau nhiều năm đầu tư nhân giống trồng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn mai kiểng của anh Minh đã phát triển xanh tốt, gốc to bự, được cắt tỉa tán rất đẹp, thu hút nhiều khách hàng ở Bắc Bình, Phan Thiết, Tuy Phong đến tận vườn lựa chọn, đặt mua về chơi Tết Nguyên đán. Mỗi gốc mai kiểng 7 năm tuổi trở lên anh bán giá từ 1 - 3 triệu đồng, còn các gốc mai kiểng 10 năm tuổi trở lên anh bán giá từ 3 - 10 triệu đồng/gốc. Tính từ năm 2017 đến nay, gia đình anh đã bán được khoảng 500 gốc mai kiểng cho khách hàng trong tỉnh chơi Tết Nguyên đán, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2022, gia đình anh đã bán mai kiểng dịp tết, thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Dịp Tết Quý Mão năm 2023, chỉ đầu tháng 12 đã có hàng trăm khách hàng đến tận vườn lựa chọn, đặt mua mai kiểng chuẩn bị chở về nhà chơi Tết Nguyên đán.

Đi lên từ trồng mai kiểng giống trâu của Phan Tiến, gia đình anh Minh vươn lên làm ăn khá giả, đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và vinh dự được tham gia Hội nghị tổng kết phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh, giai đoạn 2017 - 2022.

NGỌC TUẤN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khảo sát vị trí quy hoạch Nhà máy xử lý rác khu vực phía Bắc, TP. Phan Thiết
Chiều 9/1, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng chủ trì họp nghe báo cáo một số nội dung liên quan đến vị trí quy hoạch Nhà máy xử lý rác phía Bắc, thành phố Phan Thiết.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khá lên từ nghề trồng mai