Theo dõi trên

 “Người trồng thanh long đang chịu sức ép về giá…”

17/12/2019, 17:16

BTO- Tiếp tục phiên thảo luận của kỳ họp thứ 9 – HĐND tỉnh khóa X ngày 17/12, Ông Nguyễn Phú Hoàng –Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã có những băn khoăn cũng như đề xuất các giải pháp về sản xuất cây thanh long và liên kết hợp tác sản xuất. Theo đại biểu Hoàng, cây thanh long – cây trồng chủ lực của Bình Thuận lâu nay đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo, ổn định được cuộc sống, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Vì vậy, diện tích cây thanh long trong năm 2019 tiếp tục gia tăng đạt trên ngưỡng 30.000 ha, làm phá vỡ quy hoạch. Trong đó có hơn 9.000 ha được cấp chứng nhận thanh long Viet GAP và hàng trăm ha đạt chuẩn GlobalGAP. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, những phát triển trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cây thanh long phát triển thiếu tính bền vững, sức cạnh tranh thấp, sản xuất nhỏ phân tán. Đặc biệt trong thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc siết chặt về tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, nên giá trái thanh long giảm xuống rất thấp dưới ngưỡng hòa vốn.

Do vậy, người nông dân đang phải hứng chịu những sức ép về nguồn thu để trang trải chi phí cho sản xuất, nếu không có giải pháp phù hợp, thời gian tới người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tuyên truyền sâu rộng về định hướng sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch, thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, gắn với phương thức chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thanh long. Phải hướng đến các thị trường châu Âu và châu Mỹ nhằm đa dạng thị trường tiêu thụ. Phải xây dựng các chính sách khuyến khích kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư chế biến sau thu hoạch nhằm góp phần gia tăng giá trị trái thanh long. Kêu gọi và đặt hàng cho các tổ chức, nhà khoa học nghiên cứu sâu về các dịch bệnh trên cây thanh long để giúp phòng và trị các loại bệnh trên thanh long hiện nay, nhất là bệnh đốm nâu. Tỉnh cũng cần chỉ đạo ngành tham mưu nghiên cứu đưa sản phẩm trái thanh long trở thành thương hiệu quốc gia. Đồng thời có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân trực tiếp trồng thanh long thông qua tổ chức liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP để bảo đảm kết nối với các doanh nghiệp lớn tiêu thụ ở các thị trường châu Âu và châu Mỹ. Đặc biệt cần phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội thanh long Bình Thuận trong thời gian đến.

Ngoài ra, về tình hình phát triển nghề cá trên địa bàn tỉnh, theo ĐB Hoàng năng lực nghề cá của tỉnh đã được tăng lên cả số lượng lẫn chất lượng. Cơ giới hóa quá trình khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch và độ an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển. Chính sách phát triển tàu cá 67 đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy vậy, việc thực hiện chính sách còn gặp khó khăn, chưa thật sự ổn định trong hoạt động khai thác của ngư dân khi tham gia dự án. Do đó tỉnh cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp, xây mới cảng cá, khu neo đậu tàu cá tại địa phương. Cần có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đóng sửa tàu cá, đầu tư nâng cấp nhà máy, xưởng đóng tàu bằng vật liệu vỏ thép, vỏ composite trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu đóng mới và sửa chữa để giảm chi phí khi phải đến thực hiện ở các tỉnh khác. Từng bước khai thác và tiêu thụ sản phẩm hải sản theo phương thức chuỗi giá trị, nhằm góp phần ổn định và tăng thu nhập cho ngư dân.

K.Ngọc – T.Thủy. Ảnh: Đình Hòa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 “Người trồng thanh long đang chịu sức ép về giá…”