Theo dõi trên

Bất an khi nhà trường không còn là nơi an toàn

24/05/2019, 09:25

BT - Nhiều năm về trước, sau gia đình thì nhà trường luôn được xem là nơi an toàn nhất. Thế nhưng từ “an toàn” đã không còn vị thế khi nhắc về trường học hiện nay.

Thời gian gần đây, quá nhiều chuyện xảy ra với học sinh khi các em ở trường không chỉ làm cho cha mẹ bất an mà toàn xã hội phải bàng hoàng, phẫn nộ. Gần như chuyện gì cũng có thể xảy ra nơi đây với những đứa trẻ. Nào là bị bớt xén khẩu phần ăn, bị bạo hành về thể xác, bị khủng bố về tinh thần, bị dâm ô… Nhưng đớn đau và thất vọng nhất người thay vai trò của cha mẹ để dạy dỗ, để giáo dục, để là điểm tựa vững chắc nhất cho các em khi rời nhà lại chính là thầy cô giáo (thủ phạm gây ra khá nhiều chuyện động trời), người có trách nhiệm giáo dục và dạy dỗ các em.

Học sinh còn biết tin ai? Phụ huynh làm sao còn đủ can đảm để giao con mình cho những người luôn danh xưng là cha mẹ thứ hai ấy?

Vẫn còn đó hình ảnh cô trò hàng ngày cùng đến lớp ở những vùng khó khăn.

Chỉ là hiện tượng cá biệt?

Một vài hiện tượng thầy cô chưa xứng đáng gọi hai tiếng người thầy nếu so với số lượng 1 triệu thầy cô giáo trong cả nước hiện nay có thể nói là con số quá nhỏ.

Ngành nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu. Thế nhưng nghề giáo tuyệt đối không thể có những “sản phẩm lỗi”. Bởi người thợ tồi có thể làm hư một sản phẩm, người bác sĩ tồi cũng chỉ có thể giết chết một mạng người. Nhưng người thầy tồi lại làm hỏng cả một thế hệ. Bởi, sản phẩm của người thầy đặc biệt hơn cả, đó chính là “con người”.

Một con người tốt sẽ làm cho cả một xã hội tốt lên. Ngược lại, con người xấu sẽ kéo theo biết bao hệ lụy khôn lường. Vì thế, đã là thầy phải chuẩn mực trong mọi lời nói, lẫn hành vi. Cả xã hội nhìn vào thầy để soi xét một phần cũng vì những lẽ ấy.

Không ai phủ nhận, vẫn còn nhiều, rất nhiều thầy cô lòng trong, tâm sáng, hết lòng vì công việc, thương yêu trò như con. Họ luôn sống và nêu cao phẩm chất cao quý của nhà giáo. Thế nhưng, vẫn còn đó một bộ phận giáo viên tha hóa về đạo đức, nhân cách, lối sống. Một bộ phận giáo viên chạy theo lối sống kim tiền, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của mình xấu dần trong mắt mọi người.

Đau lòng hơn, còn có những thầy cô vô tâm hành hạ, đánh đập, dùng áp lực, xúc phạm đến nhân cách học trò, lạm dụng dâm ô với những đứa bé chỉ đáng tuổi con cháu mình. Dù chỉ là thiểu số nhưng tiếng xấu, vết nhơ mà họ mang lại cho ngành giáo dục không hề nhỏ. Vì những tấm gương mờ ấy, cả ngành giáo dục phải mang tiếng oan, nhiều thầy cô giáo bị vạ lây khi xã hội nhìn họ với con mắt nghi kị, khinh miệt. Những tiếng gọi thầy, cô thân thương đã ít dần đi mà thay vào đó là “con nọ, thằng kia” nghe  mà đau lòng và tủi hổ.

Đạo đức người thầy xuống cấp vì đâu?

Câu hỏi trên đã được nhiều người đặt ra nhưng câu trả lời chưa làm ai thỏa mãn. Người thì cho rằng do áp lực thành tích nên cô thầy hay dùng vũ lực với học sinh. Do cuộc sống khó khăn nên người thầy phải bớt xén khẩu phần ăn của trẻ, phải bóp nặn hầu bao của phụ huynh dẫn đến lạm thu, phải tìm cách lùa học sinh vào lớp dạy thêm của mình càng nhiều càng tốt. Hay như vì thành tích, thầy cô phải tìm cách buộc học sinh lên lớp.  Vì những dục vọng thấp hèn nên dẫn đến tình trạng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Nhưng có lẽ, một nguyên nhân sâu xa vẫn ít được nhắc đến, rằng nghề giáo quá rẻ rúng, bị xem nhẹ thế nên ai cũng có thể vào làm thầy.

Còn nhớ, có một thời gian khủng hoảng nhân sự giáo dục, người ta buộc phải tuyển cả những học sinh vừa học xong lớp 8, lớp 9 vào dạy mẫu giáo, tiểu học. Tuyển học sinh lớp 12 vào dạy trung học, rồi cho bổ túc dần dần.

Ai cũng có thể làm thầy, chỉ cần có nhu cầu làm giáo viên là được đáp ứng mà không cần biết phẩm chất đạo đức người ấy ra sao? Khi ai đó bị phản ánh về một việc làm chưa chuẩn mực thì căn bệnh thành tích cũng chính là vỏ bọc chắc chắn để người ta xí xóa, bao che cho nhau. Với cách ứng xử phản cảm, thiếu nhân cách của một số thầy cô giáo hiện nay đang làm cho hình ảnh cao quý của người thầy trở nên méo mó, gây ra những hậu quả khó lường cho thế hệ tương lai.

Điều đó càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số bộ phận giáo viên. Đã đến lúc, ngành giáo dục cần mạnh tay với những “tấm gương mờ” ấy. Nhà nước cũng cần có những chính sách ưu đãi để tuyển được những người thầy tốt để khôi phục lại hình ảnh, đạo đức và vị thế của người thầy.

Khi thầy cô giáo xứng đáng là tấm gương để học sinh noi theo, thì chắc chắn những tiêu cực ở nhà trường sẽ không còn nữa. Và môi trường giáo dục lại trở nên an toàn như thuở nào. 

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất an khi nhà trường không còn là nơi an toàn