Theo dõi trên

Chỉ tuyển học sinh giỏi, liệu có được không?

02/03/2018, 09:30

BT- Mới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra dự thảo là các trường đại học sư phạm chỉ tuyển học sinh đạt học lực loại giỏi năm lớp 12. Không ít người cho rằng đây là ý tưởng không thực tế,  giống như là “mơ”.

                
Học sinh Trường TH Bắc Phan Thiết học theo    mô hình VNEN. Ảnh: Ngọc Lân

Nhìn vào thực tế

Theo thống kê đến năm 2020 sẽ có 70.000 sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp(1). Để chen được một chân vào giảng dạy tại trường học hiện nay không hề dễ. Ngoài chuyện quen biết, có thân có thế, không ít người phải có khoản “đầu tiên”.

Xin việc khó, thất nghiệp tràn lan, thậm chí được vào giảng dạy rồi vẫn có thể mất việc bất cứ lúc nào. Đã thế, mức lương bèo bọt, áp lực công việc nặng nề. Chưa bao giờ nghề giáo lại bị áp lực, căng thẳng đến như vậy. Ở trường, phải chịu áp lực về chỉ tiêu lên lớp, học sinh khá giỏi, duy trì sĩ số, chất lượng môn học… còn ngoài giờ dạy, thầy cô lại quay cuồng với  bao hội thi, hết hội thi của thầy đến hội thi của trò. Cùng với đó là gánh nặng về hồ sơ, sổ sách… trong số đó không ít những thứ được đánh giá là vô bổ.

Đã vậy, còn phải lo “đối phó” với một số không ít  phụ huynh, những người “bênh” con thái quá, mới chỉ nghe giáo viên yêu cầu con mình viết bản kiểm điểm, phạt lao động công ích… đã mạ lỵ thầy cô của con mình, chưa kể một số hành động mang tính hung hãn… Đây là những lý do để  gần đây, người ta lại liệt nghề giáo cùng với nghề y là hai nghề “nguy hiểm”.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà phần lớn ba mẹ làm nghề giáo, con cái lại không nối nghề, đặc biệt là những em học giỏi. Bởi hơn ai hết, các em thấu hiểu rõ nhất những khó khăn, những vất vả và áp lực mà cha mẹ mình đang trải qua.

Lương thấp nhưng không phải giáo viên muốn làm thêm việc gì cũng được. Ngoài dạy thêm, hầu như giáo viên không thể làm thêm được gì. Mà dạy thêm thì cay đắng lắm! Khá nhiều giáo viên chia sẻ: “Nếu không vì cuộc sống cùng cực, nếu không vì phải lo cho con cái học hành… sẽ chẳng bao giờ dạy thêm vì nhục lắm”.

 Muốn tuyển được học sinh giỏi, giáo dục phải thay đổi

Tình trạng học sinh thi 3 môn chưa đủ 10 điểm vẫn đậu vào sư phạm đã nói lên tất cả vì sao xã hội lại quay lưng với giáo dục. Nếu nói không ngoa, thi vào sư phạm những năm gần đây có khá nhiều học sinh có lực học yếu, kém. Thầy cô không có kiến thức đương nhiên không thể dạy trò trở nên giỏi. Bởi thế, vào sư phạm phải là học sinh giỏi, ước nguyện này là chính đáng và dư luận cũng sẽ rất đồng tình. Thế nhưng làm sao có thể tuyển được học sinh giỏi? Ra thông tư lúc này cũng chẳng có ý nghĩa gì. Việc cần làm hiện nay là Nhà nước (không ngoài Bộ GD-ĐT) phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại mà ngành giáo dục đang mắc phải như giải quyết tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp, cải tạo chế độ tiền lương, tiền thưởng, giảm áp lực làm việc như chấm dứt căn bệnh thành tích, giảm các hội thi của thầy và trò…

Làm được điều đó, chẳng cần quy định thì học sinh giỏi cũng ùn ùn đăng ký xin được thi vào sư phạm.

Phan Tuyết 

(1): http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hang-van-sinh-vien-su-pham-that-nghiep-loi-tai-ai-517333.vov



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ tuyển học sinh giỏi, liệu có được không?